Chứng khoán châu Á phần lớn tăng, giá dầu "án binh" chờ dấu hiệu

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 2% lên 22.477,01 điểm trong khi giá dầu thế giới "án binh" chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với các sản phẩm tinh chế của Nga.
Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng điểm. (Ảnh: Economic Times/TTXVN)

Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) dẫn dầu đà tăng tại châu Á

Hầu hết các thị trường châu Á đều tăng trong phiên 26/1 khi phần lớn trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cùng với một thông tin lạc quan là lạm phát chậm lại và các ngân hàng trung ương đánh tín hiệu về cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn để giải quyết vấn đề giá cả.

Chứng khoán Hong Kong một lần nữa dẫn đầu đà tăng trên thị trường nhờ hy vọng rằng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, trong khi hãng tin Bloomberg News cho biết, số lượng khách du lịch và phòng vé trong các ngày lễ rất đáng khích lệ.

Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2% lên 22.477,01 điểm, và đã tăng hơn 10% từ đầu năm 2023 đến này.

Chứng khoán Seoul tăng 1% sau số liệu cho thấy kinh tế Hàn Quốc đã sụt giảm trong thời gian từ tháng 10-12/2022, lần đầu tiên kể từ quý 2/2022, khiến Ngân hàng trung ương Hàn Quốc có dư địa để làm chậm tốc độ tăng lãi suất.

Chứng khoán Singapore, Wellington và Jakarta cũng tăng.

Tuy nhiên, tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,1% xuống 27.362,75 điểm, cùng với chứng khoán Manila và Bangkok cũng giảm.

Thị trường Thượng Hải, Sydney và Đài Bắc vẫn đóng cửa nghỉ lễ.

Các nhà giao dịch hiện đang chờ số liệu tăng trưởng của Mỹ được công bố ngày 26/1 và thước đo lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong ngày 27/1.

Tuần tới, Fed sẽ đưa ra quyết định chính sách mới nhất kể từ khi làm chậm tốc độ tăng lãi suất vào tháng 12/2022 sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp.

[Phiên 26/1, chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau nghỉ lễ]

Nhiều đồn đoán đã xuất hiện trong những tuần gần đây cho rằng ngân hàng có thể "thả lỏng" khi dữ liệu cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến và các chỉ số khác cho thấy việc thắt chặt chính sách trong năm 2022 đang giữ vững nền kinh tế.

Và mặc dù vẫn còn một số lo ngại rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể rơi vào suy thoái, thì ngày càng có nhiều hy vọng rằng nó có thể đạt được cái gọi là hạ cánh mềm.

Thị trường dầu "án binh" chờ đợi dấu hiệu rõ ràng hơn

Cũng trong phiên ngày 26/1, giá dầu nhích nhẹ sau khi dự trữ dầu của Mỹ tăng ít hơn dự kiến, trong khi nhà đầu tư chờ đợi các dấu hiệu rõ rằng hơn trong đó có cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là (OPEC+), và lệnh cấm sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm tinh chế của Nga.

Chiều 26/1, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 16 xu (0,2%) lên 86,28 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 31 xu Mỹ (0,4%) lên 80,46 USD/thùng.

Các nhà phân tích của Citi cho biết, thị trường đang chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với các sản phẩm tinh chế của Nga và sự thay đổi sau đó về dòng chảy thương mại, trong khi OPEC+ đang chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo.

Các nhà phân tích của Citi cho hay lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với các sản phẩm tinh chế của Nga vẫn là một mối lo ngại lớn đối với thị trường, với sự xáo trộn trên diện rộng dự kiến sẽ thành hiện thực.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng dầu dự trữ tại các kho ở nước này đã tăng thêm 533.000 thùng lên 448,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 20/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục