Chứng khoán châu Á giảm điểm trước thềm đàm phán Mỹ-Trung

Giới phân tích tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng cuộc đàm phán sẽ tiến gần hơn tới một giải pháp cho cuộc thương chiến kéo dài suốt hơn một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chứng khoán châu Á giảm điểm trước thềm đàm phán Mỹ-Trung ảnh 1Bảng tỷ giá chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên chiều 29/7, khi giới đầu tư thận trọng theo dõi những diễn biến xung quan cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải trong tuần này.

Cuộc đàm phán lần này dự kiến sẽ kéo dài trong hai ngày 30-31/7 với phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Nhà Trắng Robert Lighthizer dẫn đầu. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng cuộc đàm phán sẽ tiến gần hơn tới một giải pháp cho cuộc thương chiến kéo dài suốt hơn một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư tại khu vực.

Khép lại phiên này tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) chỉ số Nikkei giảm 0,19% (41,35 điểm) xuống 21.616,8 điểm khi các nhà đầu tư “án binh” chờ đợi cuộc họp sắp tới trong tuần này của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bên cạnh những diễn biến về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Trong khi đó, chứng khoán Hàn Quốc kéo dài chuỗi giảm điểm sang phiên thứ tư liên tiếp và rơi xuống mức thấp nhất của hai tháng khi một loạt những yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới nhà đầu tư, bao gồm tình hình căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa nước này và Nhật Bản.

[Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm do những lo ngại từ Fed]

Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul phiên này giảm 1,78% (36,78 điểm) xuống còn 2.029,48 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 29/5 tới nay.

Còn tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong nằm trong nhóm giảm điểm mạnh nhất phiên này tại khu vực châu Á khi chỉ số Hang Seng để mất 1,03% (291,33 điểm) xuống 28.106,41 điểm.

Những cuộc biểu tình quá khích bùng phát hồi cuối tuần trước đã khiến tình hình chính trị tại đây càng bất ổn hơn, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh cũng như thị trường tài chính của Hong Kong. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải phiên này cũng để mất 0,12% (3,53 điểm) xuống 2.941,01 điểm.

Giới chuyên gia nhận định rằng tình hình bất ổn leo thang do các cuộc biểu tình cuối tuần qua tại Hong Kong là một yếu tố khá tiêu cực có thể ảnh hưởng tới rủi ro tổng thể của đàm phán Mỹ-Trung.

Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7, VN-Index tăng 4,59 điểm lên 997,94 điểm. Khối lượng giao dịch gần 178 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 3.553 tỷ đồng. Toàn sàn có 109 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 193 mã giảm giá.

HNX-Index giảm 1,12 điểm xuống 105,29 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 27,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 355 tỷ đồng. Toàn sàn có 68 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 81 mã giảm giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường chứng khoán Việt Nam) có tới 16 mã giảm giá, trong khi chỉ có 12 mã tăng giá. Tuy nhiên, các mã tăng giá có vốn hóa rất lớn, cũng giúp chỉ số VN30 kết phiên trong sắc xanh và VN-Index cũng có dịp tiến về sát mốc 1.000 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục