Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm theo phố Wall

Chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 22/10 tiếp tục đà giảm do kết quả kinh doanh gây thất vọng của các công ty Mỹ.
Chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 22/10 tiếp tục đà giảm, khi nhiệt tình của nhà đầu tư với các tài sản rủi ro giảm sút do kết quả kinh doanh gây thất vọng của các công ty Mỹ và sự sụt giảm xuất khẩu mạnh hơn dự kiến của Nhật Bản.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,6%. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 10,05 điểm, hay 0,47%, xuống 2.118,25 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 111,75 điểm, hay 0,52%, xuống 21.440,01 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 24,12 điểm, hay 1,24%, xuống 1.919,72 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 128,16 điểm, hay 1,42%, xuống 8.874,52 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần trước ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6, sau khi các công ty tham gia vào chỉ số Dow Jones là General Electric và McDonald's báo cáo kết quả kinh doanh tiêu cực, trong khi đây được coi là các căn cứ để đánh giá tình hình nền kinh tế. Trong số 116 công ty tham gia vào chỉ số Standard & Poor's 500 đã báo cáo lợi nhuận, 60% có kết quả vượt dự báo của các nhà phân tích, thấp hơn so với con số 67% trong 4 quý trước.

Với Nhật Bản, xuất khẩu của nước này trong tháng 9 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao hơn dự báo. Trong khi đó, kết quả điều tra của Reuters cho thấy lòng tin của các nhà chế tạo Nhật Bản giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ khi xảy ra thảm hoạ động đất, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với Trung Quốc đã làm gia tăng quan ngại về những tác động kinh tế đối với Nhật Bản.

Với Trung Quốc, trong khi nhu cầu của nước này yếu đang gây thêm lo ngại cho tăng trưởng của toàn cầu, điều tra của Reuters cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể phục hồi nhẹ trong quý 4, nhờ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, song đà tăng trưởng sẽ vẫn chưa bứt mạnh trong năm 2013.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đặt ra những trở ngại mới trong việc cho phép quỹ cứu trợ khu vực bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng yếu kém từ năm tới, trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí thiết lập cơ quan giám sát ngân hàng chung từ năm 2013. Trong khi đó, Tây Ban Nha vẫn lập lờ trong việc có cần cứu trợ của châu Âu hay không./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục