Các thị trường châu Á đồng loạt giảm điểm trong ngày giao dịch ngày 30/1, trong đó các mã chứng khoán công nghệ và hàng không giảm sâu nhất, giữa lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập một cuộc họp khẩn cân nhắc tuyên bố dịch viêm phổi do nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
WHO mới đây đã cảnh báo tất cả các quốc gia trên thế giới nên duy trì trạng thái báo động khi Trung Quốc báo cáo thêm 1.700 ca nhiễm virus 2019-nCoV và ít nhất 15 người thiệt mạng, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 7.700 người và ít nhất 170 người thiệt mạng.
Trong khi đó, các hãng hàng không toàn cầu cũng đều đã hoãn hoặc cắt giảm chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc sau khi xuất hiện các ca nhiễm bệnh từ người sang người ở các quốc gia khác, trong khi một số tập đoàn sản xuất cũng đã thu hẹp hoạt động tại quốc gia này.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng dịch viêm phổi do virus nCoV gây ra thách thức mới cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) giảm 5,8% trong ngày giao dịch đầu Năm mới âm lịch khi mã chứng khoán của hãng hàng không Eva Airways giảm 9,9% và nhà sản xuất chip bán dẫn (TSMC), nhà cung cấp chính của Apple và cũng là mã chứng khoán trọng điểm tại vùng lãnh thổ này này, giảm 5%.
Mã chứng khoán của tập đoàn Hon Hai Precision cũng giảm 10% sau thông tin tập đoàn sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy ở Trung Quốc cho tới ngày 10/2.
Đây là tập đoàn điện tử hàng đầu Trung Quốc, được biết đến nhiều hơn với tên Foxconn, là nhà thầu lắp ráp điện tử lớn nhất thế giới và là nơi lắp ráp của sản phẩm điện thoại iPhones của Apple, các loại TV màn hình phẳng và máy tính xách tay.
Vì vậy, quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng cho các công ty công nghệ toàn cầu vốn phụ thuộc vào Foxconn.
Tập đoàn này cũng tuyển dụng hơn một triệu lao động ở Trung Quốc, phụ trách sản xuất hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chủ yếu từ các nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, tỉnh đầu tiên bùng phát dịch bệnh.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) cũng kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên của Năm Mới giảm 2,6%.
Thị trường chứng khoán Seoul cũng giảm 1,7%, thị trường chứng khoán Singapore giảm 0,8% trong khi chứng khoán Sydney giảm 0,3%.
Các thị trường châu Âu cũng tiếp đà giảm điểm, chứng khoán London giảm 1,1% ngay trong phiên giao dịch đầu ngày, chứng khoán Frankfurt (Đức) cũng giảm 1,4% và chứng khoán Paris giảm 1,5%.
Chuyên gia phân tích Jeffrey Halley của OANDA nhận định các thị trường chứng khoán sẽ rất nhạy cảm với các diễn biến của dịch viêm phổi do nhiễm virus corona mới.
Tính tới sáng 30/1, dịch viêm phổi do virus nCoV gây ra đã khiến ít nhất 170 người thiệt mạng và hơn 7.700 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc.
Bệnh dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung quốc gia này từ cuối tháng 12/2019 và nay đã lan ra 15 quốc gia khác với khoảng 60 ca nhiễm bệnh tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.
Trong diễn biến liên quan, đồng baht của Thái Lan ngày 30/1 đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua ở mức 31,17 baht đổi một USD.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, đồng baht giảm giá do các nhà đầu tư đồng loạt bán ra do lo ngại về tác động của dịch virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc.
Trung tâm nghiên cứu Kasikorn cho biết cùng với đồng baht, những đồng tiền khác trong khu vực châu Á cũng yếu đi. Việc các nhà đầu tư nước ngoài bán các cổ phiếu của Thái Lan cũng góp phần làm đồng baht yếu đi.
Kasikorn Research dự báo đồng baht sẽ dao động trong mức 31-31,20 baht/1 USD.
Trong khi đó, Phòng Thương mại Thái Lan nhận định tác động của dịch viêm phổi do virus corona mới cùng với các yếu tố như tình trạng hạn hán lan rộng, ô nhiễm khói bụi... có thể khiến tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này giảm xuống mức dưới 2,5% trong năm 2020.
Trước đó, Văn phòng Chính sách Tài chính (FPO) thuộc Bộ Tài chính Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 từ 3,3% xuống 2,8%, trong khi ước tính tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2019 được hạ từ 2,8% xuống 2,5%.
Nền kinh tế Thái Lan hiện đang phải đối mặt với trở ngại mới sau khi Trung Quốc cấm du lịch theo nhóm ra nước ngoài nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan, với 10,99 triệu lượt (trong tổng số 39,8 triệu lượt du khách nước ngoài) trong năm 2019, tăng 4,4% so với năm 2018.
Khách du lịch Trung Quốc, trong đó rất nhiều người đi theo nhóm, đã chi tiêu khoảng 18 tỷ USD ở Thái Lan trong năm 2019, chiếm 1/3 lượng chi tiêu của du khách nước ngoài nói chung.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đề xuất Bộ Tài chính tìm kiếm những biện pháp nhằm khuyến khích người dân Thái Lan đi du lịch để bù đắp cho sự sụt giảm của du khách Trung Quốc./.