Chiều 2/7, thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt đi lên, trước các số liệu kinh tế lạc quan từ các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa tăng 43,77 điểm (0,29%) lên 15.369,97 điểm, nhờ sự yếu đi của đồng yen.
Các chuyên gia nhận định việc chứng khoán Mỹ phiên trước tăng lên mức kỷ lục đã đẩy đồng USD tăng giá so với yen, nhân tố hỗ trợ cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu "Xứ Phù tang."
Bên cạnh đó, chứng khoán Nhật Bản còn được hỗ trợ bởi đồn đoán quỹ lương hưu "khủng" nhất thế giới của nước này sẽ gia tăng lượng nắm giữ cổ phiếu.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải đóng cửa tăng 9,04 điểm (0,44%) lên 2.059,42 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 17/6.
Dẫn đầu đà tăng trong phiên này là cổ phiếu của các ngân hàng lớn, trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc tăng lần lượt 0,6% và 0,8%.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 358,90 điểm (1,55%) lên đóng cửa ở mức 23.549,62 điểm.
Trung Quốc công bố số liệu chính thức cho thấy chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trong tháng Sáu đã tăng lên 51, so với mức 50,8 trong tháng trước.
Theo Ngân hàng HSBC, PMI của Trung Quốc đã tăng từ 49,4 trong tháng Năm lên 50,7 trong tháng Sáu, ghi dấu lần đầu tiên chỉ số này qua mốc 50 trong năm nay.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX200 của thị trường chứng khoán Sydney tăng 79,5 điểm (1,48%) lên 5.455,4 điểm; còn tại Hàn Quốc, chỉ số Kopsi của thị trường chứng khoán Seoul tăng 16,28 điểm (0,81%) lên 2.015,28 điểm.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào việc công bố số liệu về thị trường lao động của Mỹ, để đo lường đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích Yutaka Miura thuộc Mizuho Securities nhận định thông tin về thị trường việc làm của Mỹ có thể củng cố những hy vọng rằng kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi./.