Chứng khoán châu Á "đỏ sàn" sau vụ ông Tillerson bị cách chức

Các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á đã nhanh chóng giảm điểm ngay đầu phiên giao dịch do ảnh hưởng tâm lý từ các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu sau vụ Ngoại trưởng Mỹ Tillerson bị cách chức.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Sáng 14/3, các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á đã nhanh chóng giảm điểm ngay đầu phiên giao dịch do ảnh hưởng tâm lý từ các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm tới 1,2%, hay 378,26 điểm, xuống mức tham chiếu 31.223,19 điểm. Tương tự, chỉ số Shanghai Composite tại thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,35%, hay 11,57 điểm, còn 3.298,67 điểm.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,81%, tương đương 177,30 điểm, xuống 21.790,80 điểm vào đầu phiên giao dịch sau 4 ngày liên tiếp tăng điểm.

Trước đó, các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 13/3, do những lo ngại gia tăng về cuộc chiến thương mại khi Tổng thống Donald Trump thay thế Ngoại trưởng Tillerson và đang có kế hoạch áp mức thuế mới lên hàng hóa của Trung Quốc.

Trên thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt phiên giảm 0,7% xuống 25.007,03 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,6% xuống 2.765,31 điểm; và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1% xuống 7.511,01 điểm. Những lo ngại về thương mại cũng gây sức ép lên các thị trường chứng khoán châu Âu phiên này. Chốt phiên, chỉ số FTSE 100 tại London giảm 1,1%, xuống 7.138,78 điểm, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt giảm 1,6%, xuống 12.221,03 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris giảm 0,6%, xuống 5.242,79 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 giảm 0,9%, xuống 3.391,14 điểm.

Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Ngoại trưởng Rex Tillerson từ chức và bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mike Pompeo vào vị trí này, điều khiến Phố Wall lo ngại bởi giới phân tích cho rằng ông Tillerson là người ủng hộ thương mại tự do và ông Pompeo có thể sẽ có một lập trường cứng rắn hơn trong các vấn đề thương mại.

Giới phân tích cũng đề cập đến việc Tổng thống Trump đang cân nhắc các biện pháp nhằm vào Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Truyền thông Mỹ ngày 13/3 đưa tin chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét các mức thuế mới mạnh tay đánh vào lĩnh vực công nghệ và có thể ra thông báo trong tuần tới.

Những bất ổn trên thị trường chứng khoán thế giới đã giúp giá vàng thế giới khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 13/3, trong khi đồng USD giảm giá mạnh.

Giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên mức 1.326,49 USD/ounce vào lúc 0 giờ 42 phút ngày 14/3 theo giờ Việt Nam. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tháng 4/2018 cũng tiến thêm 0,5% và khép phiên ở mức 1.327,1 USD/ounce. Tương tự, vào sáng 14/3, giá vàng tại Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng 60 đôla Hong Kong lên mức 12.400 đôla Hong Kong (tương đương 1.581,73 USD/lượng).

Việc ông Tillerson bị cách chức đã mang đến thêm nhiều bất ổn liên quan đến chính sách ngoại giao của Mỹ, đồng thời thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các tài sản “trú ẩn an toàn” như vàng.

Chỉ số USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này giảm 0,31% xuống còn 89,585. Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới đồng USD là thông tin Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ “hạ nhiệt” trong tháng Hai.

Thị trường đang chú ý theo dõi cuộc họp sắp tới của Ngân hãng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm những thông tin về lộ trình nâng lãi suất của ngân hàng trung ương này trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục