Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,3%, sau khi đã tăng 0,8% vào phiên cuối tuần trước. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 171,23 điểm, hay 0,78%, lên 22.034,74 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 8,87 điểm, hay 0,47%, lên 1.879,03 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 59,01 điểm, hay 0,43%, lên 13.719,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 4,08 điểm, hay 0,2%, lên 2.061,54 điểm.
Tuy nhiên, chỉ số MSCI vẫn bị mất tới 2,9% trong tuần trước, với đa phần sức nóng được cảm nhận ở các thị trường mới nổi trong khu vực, do các nhà đầu tư rút khỏi các thị trường mang lại lợi nhuận cao này khi thế giới chuẩn bị bước vào giai đoạn hậu kích thích.
Do đó, các thống đốc ngân hàng trung ương trên toàn cầu tham dự hội nghị chính sách hàng năm tại Jackson Hole của Fed cuối tuần qua cảnh báo rằng sự ổn định tài chính toàn cầu có thể gặp rủi ro khi các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kết thúc.
Trong khi đó, số liệu mới công bố cho thấy doanh số bán nhà mới ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, khiến khả năng Fed bắt đầu rút chương trình mua trái phiếu vào tháng Chín tới bị hoài nghi và tạo cho các nhà đầu tư lý do để mua vào trở lại các tài sản đã bị dìm xuống trước đó.
Tuy nhiên, chiến lược gia về thị trường Evan Lucas ở IG in Melbourne cảnh báo sự biến động mạnh hơn trên thị trường chứng khoán là có thể xảy ra.
Ông cho rằng Fed sẽ bắt đầu giảm dần chương trình kích thích vào tháng 10, sau khi lên kế hoạch chi tiết tại cuộc họp vào tháng Chín./.