Bối cảnh của chứng khoán châu Á nhìn chung vẫn khá tươi sáng, khi các nhà đầu tư tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất để đảm bảo thị trường biến động trong tầm kiểm soát, đồng thời thúc đẩy các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Nhưng có một “đám mây mù” chưa có dấu hiệu tan đi, đó là tình hình kinh tế Trung Quốc.
Các số liệu kinh tế chính thức công bố ngày 17/5 cho thấy đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang chững lại: Tăng trưởng đầu tư hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuối năm 2022 và giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong chín năm.
Xuất khẩu xăng của Trung Quốc trong tháng 4/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2015, do nhu cầu đi lại trong nước và nhu cầu sử dụng nhiên liệu được cải thiện giữa bối cảnh kinh tế phục hồi.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu xăng trong tháng 4/2023 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 400.000 tấn, giảm 50,8% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 65% so với mức 1,15 triệu tấn của tháng Ba.
Xuất khẩu xăng của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp trong tháng 5/2024. Các nhà phân tích dự báo nhu cầu trong nước sẽ tăng 3-6% so với cùng kỳ trong tháng 5/2024, dựa trên sự gia tăng của nhu cầu du lịch trong kỳ nghỉ Lễ Lao động của Trung Quốc.
Đáng báo động nhất là tình trạng suy yếu của lĩnh vực bất động sản đang ngày càng sâu sắc. Đúng là các cổ phiếu của Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng vọt vào thứ Sáu sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm ổn định lĩnh vực này, nhưng liệu đà phục hồi đó có kéo dài?
Giá nhà mới tại Trung Quốc giảm với tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong hơn chín năm qua vào tháng 4/2024. Điều này càng tạo thêm áp lực lên Chính phủ Trung Quốc, giữa bối cảnh những nỗ lực tăng cường nhằm hỗ trợ ngành bất động sản đang gặp khó khăn của họ vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt.
Theo tính toán của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) được công bố ngày 17/5, giá nhà của nước này trong tháng 4/2024 giảm 0,6% so với tháng trước, kém hơn mức giảm 0,3% trong tháng Ba - mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 11/2014.
Dữ liệu này đánh dấu đà giảm giá nhà tại Trung Quốc đã diễn ra trong 10 tháng liên tiếp. So sánh với cùng kỳ năm 2023, giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng Tư vừa qua cũng giảm 3,1%, tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2015, so với mức giảm 2,2% trong tháng Ba.
Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) cho biết họ sẽ hỗ trợ thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 138 tỷ USD) và nới lỏng các quy định về thế chấp, đồng thời chính quyền các địa phương sẽ mua lại một lượng nhà ở chưa bán được, nhưng tình trạng dư cung quá mức và nhu cầu yếu vẫn tồn tại.
PBoC dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 và 5 năm lần lượt ở mức 3,45% và 3,95%, sau khi giữ nguyên các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn vào tuần trước.
Tuy nhiên, áp lực buộc Ngân hàng Trung ương này phải cắt giảm sớm đang gia tăng. Mối lo ngại mới về tăng trưởng của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về việc Bắc Kinh sẽ dùng nguồn nào để đảm bảo cho các biện pháp hỗ trợ tài chính trong dài hạn.
Trung Quốc đang có hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Liệu đây có phải là lúc nước này dùng quỹ dự phòng đó để ngăn chặn tình trạng suy yếu của lĩnh vực bất động sản vốn đang kéo chậm nền kinh tế nói chung?
Theo giới quan sát, điều đó khó xảy ra và Bắc Kinh có thể vẫn tăng cường xuất khẩu như một con đường ưu tiên để phục hồi. Song lựa chọn này lại gặp phải lực cản từ Mỹ, nước tuần trước đã áp đặt thuế quan bổ sung đối với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, bên cạnh các loại thuế đang được áp dụng hiện nay theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 của Mỹ, Chính phủ Mỹ ngày 14/5 đã quyết định áp thuế bổ sung lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, pin lithium-ion, pin năng lượng Mặt Trời, chất bán dẫn, thép, nhôm, thiết bị bảo hộ cá nhân...
Kể từ năm nay, Chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế lên xe điện (EV) nhập khẩu của Trung Quốc từ 25% lên 100%. Thêm vào đó, thuế nhập khẩu đối với pin năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc sẽ tăng từ 25% lên 50%.
Thuế đánh vào một số loại nhôm và thép nhập khẩu từ nước này cũng sẽ tăng mạnh, từ 7,5% lên 25%.
Những mức thuế này và ranh giới thương mại ngày càng gay gắt giữa phương Tây và Trung Quốc chắc chắn sẽ là vấn đề nổi bật trong cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra trong tuần này ở Italy.
Dù vậy, thị trường tài chính hiện đang tận hưởng một khoảng thời gian bình yên hiếm hoi.
Biến động ngoại hối toàn cầu ở mức thấp nhất trong năm tuần, biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức thấp nhất trong sáu tuần.
Và chỉ số biến động VIX (chỉ số đo lường trạng thái biến động dự kiến trong 30 ngày tiếp theo trên thị trường chứng khoán Mỹ) vào phiên 17/5 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 12 trong năm nay.
Môi trường ít biến động như vậy đã giúp nâng đỡ thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và các thị trường khác lên mức cao nhất mọi thời đại./.
Chứng khoán châu Á chạm “đỉnh” 15 tháng trước thềm dữ liệu lạm phát Mỹ
Ngày 14/5, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 trong phiên giao dịch sáng.