Chứng khoán châu Á chiều 22/4 đi xuống sau phát biểu của Chủ tịch Fed

Phiên chiều 22/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,63% xuống 27.105,26 điểm, còn chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,86% và đóng cửa ở mức 2.704,71 điểm.
Chứng khoán châu Á chiều 22/4 đi xuống sau phát biểu của Chủ tịch Fed ảnh 1Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hầu hết các thị trường châu Á đều đi xuống trong chiều 22/4, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu về một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm sau những bình luận khá “mạnh mẽ” từ Fed về kế hoạch thắt chặt chính sách của cơ quan này. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 1,63% (tương đương 447,80 điểm) xuống 27.105,26 điểm trong chiều 22/4.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng không thoát được xu hướng giảm điểm của thị trường khu vực trong phiên này. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,86% (23,5 điểm) và đóng cửa ở mức 2.704,71 điểm.

Các thị trường Sydney, Jakarta, Mumbai cũng đi xuống.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có sự phân hóa. Chứng khoán Hong Kong kết thúc phiên trong sắc đỏ, với chỉ số Hang Seng giảm 0,21% (43,70 điểm) xuống đóng cửa ở mức 20.638,52 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,23% (7,11 điểm) lên 3.086,92 điểm khi một số hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19 ở Trung Quốc được nới lỏng.

[Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm phiên chiều 21/4]

Ngoài ra, cơ quan quản lý chứng khoán của nước này cũng thúc đẩy các ngân hàng và công ty bảo hiểm mua thêm cổ phiếu để giúp nâng đỡ giá trên thị trường - mặc dù tác động là khá nhỏ.

Yếu tố chính ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là việc Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận xét rằng việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm là khả thi cho cuộc họp chính sách vào tháng tới.

Ông Powell nhấn mạnh mục tiêu của Fed là sử dụng các công cụ để đảm bảo sự cân bằng giữa cung và cầu, qua đó có thể giảm lạm phát và tránh nguy cơ kinh tế rơi vào suy thoái. Trước đó, Fed kiên quyết không tăng lãi suất trong suốt năm 2021 cho dù lạm phát ở trên mục tiêu 2% của cơ quan này.

Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,25-0,5%, lần tăng đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, một số quan chức kỳ vọng về mức tăng mạnh mẽ hơn và nhanh hơn, phù hợp với lạm phát tiêu dùng đang ở mức 8,5%.

Ông Powell viện dẫn lý do cho mức tăng lãi suất trên bao gồm thị trường lao động thắt chặt và lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly cũng đề xuất mức tăng tương tự, trong khi Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis James Bullard nhắc lại sự hào hứng đối với mức tăng 0,75 điểm phần trăm.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4, chỉ số VN-Index tăng 9,02 điểm (0,66%) lên 1.379,23 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index để mất 7,49 điểm (2,04%) xuống 359,12 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục