Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều 12/8, khi giới đầu tư chật vật trong việc kéo dài đà khởi sắc trong phiên trước đó, trước khả năng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo tăng 2,6% lên 28.546,98 điểm, khi giới đầu tư quay lại từ một ngày nghỉ lễ và hưởng ứng đà khởi sắc của phiến 11/8.
Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong cũng tăng 0,5% lên 20.175,62 điểm. Sắc xanh còn được ghi nhận tại các thị trường Seoul, Mumbai, Đài Bắc và Manila.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải lại giảm 0,2% xuống 3.276,89 điểm và nhiều thị trường khác như Sydney, Singapore, Jakarta và Wellington cũng đóng phiên trong vùng giảm điểm.
Trước đó, các thị trường chứng khoán trong khu vực đã có một phiên khởi sắc ngày 11/8 sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ phát đi tín hiệu hạ nhiệt trong tháng Bảy, từ đó làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
[Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm nhờ lạm phát của Mỹ giảm]
Tuy nhiên, tâm lý lạc quan này đã giảm xuống sau khi nhiều quan chức của Fed lên tiếng cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài trước khi lạm phát được kiềm chế.
Gần đây nhất, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại San Francisco Mary Daly đã phát biểu trên Bloomberg TV rằng số liệu lạm phát tháng Bảy cho thấy tình hình có sự cải thiện, nhưng không phải là chiến thắng.
Bà cho biết bà có thể ủng hộ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng tới, nhưng không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp nếu số liệu kinh tế cho thấy cần phải làm như thế.
Bà Daly cũng đẩy lùi những kỳ vọng rằng Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất vào năm tới nếu giá cả giảm xuống. Bà cho biết lãi suất có thể chững lại trong một khoảng thời gian trước khi được giảm xuống. Những bình luận của bà Daly được đưa ra sau những cảnh báo tương tự trước đó của hai quan chức Fed khác.
Bên cạnh đó còn có những lo ngại rằng vì chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất giảm xuống là nhờ giá dầu giảm mạnh, nên các chỉ số này có thể dễ dàng tăng cao trở lại nếu thị trường dầu thô khởi sắc.
Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc, và kinh tế Mỹ vẫn đang thể hiện sự ổn định trước các đợt nâng lãi suất, giới phân tích cho rằng giá dầu thô có khả năng cao sẽ tăng mạnh từ mức thấp nhất trong sáu tháng qua.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 12/8, VN-Index tăng 10,26 điểm lên 1.262,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 542 triệu đơn vị, tương ứng hơn 13.057 tỷ đồng. Toàn sàn có 273 mã tăng giá, 166 mã giảm giá và 81 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 3,24 điểm lên 303,24 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 70,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.505,14 tỷ đồng. Toàn sàn có 117 mã tăng giá, 67 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,12 điểm lên 92,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 76,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 730,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 215 mã tăng giá, 140 mã giảm giá và 94 mã đứng giá./.