Chứng khoán châu Á biến động trái chiều, giá dầu giảm nhẹ

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng các nước phương Tây khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại triển vọng kinh tế toàn cầu do giá cả hàng hóa tăng vọt.
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều, giá dầu giảm nhẹ ảnh 1Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Warrington, Anh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các chỉ số chứng khoán trên thị trường châu Á biến động trái chiều trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về tác động của căng thẳng Nga-Ukraine, lạm phát tăng cao và kế hoạch khống chế lạm phát của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Chốt phiên giao dịch ngày 25/3, chỉ số Nikkei 225 trên sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,1% lên mức 28.149,84 điểm. Cùng đà tăng là các chỉ số chứng khoán ở Sydney (Australia), Singapore, Manila (Philippines) và Wellington (New Zealand).

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,5%, đóng cửa ở mức 21.404,88 điểm; chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) cũng “trượt” 1,2% và chốt phiên ở mức 3.212,24 điểm. Tương tự, các chỉ số chứng khoán ở Mumbai (Ấn Độ), Bankok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) cũng nhuộm sắc đỏ trong phiên này.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng các nước phương Tây khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại triển vọng kinh tế toàn cầu do giá cả hàng hóa tăng vọt. Một số nhà bình luận cảnh báo điều này có thể dẫn đến suy thoái và lạm phát kèm suy thoái.

[Giá dầu và giá vàng trên thị trường thế giới diễn biến ngược chiều]

Cũng trong phiên 25/3 tại châu Á, giá dầu Brent giảm 46 xu Mỹ, xuống 118,57 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 47 xu Mỹ, xuống 111,87 USD/thùng.

Giá dầu giảm khi những lo ngại về nguồn cung dịu bớt, trong lúc các nước châu Âu vẫn bất đồng về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, còn Mỹ và các nước đồng minh cân nhắc giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ nhằm hạ nhiệt thị trường.

Các nguồn tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho rằng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu mỏ Nga sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và OPEC đã bày tỏ lo ngại này với EU.

Trong khi Mỹ và Anh cấm dầu mỏ của Nga, một động thái tương tự sẽ là thách thức đối với EU, do khối này phụ thuộc vào Nga để đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt.

Khi dự trữ của toàn cầu ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, các nhà phân tích cho rằng thị trường vẫn dễ tổn thương trước bất kỳ cú sốc nào về nguồn cung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục