Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất

Trước tác động trái chiều trên thị trường, chứng khoán châu Á đã có một phiên biến động không đồng nhất, chỉ số MSCI giảm 0,1%.
Chiều 8/9, các thị trường chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất, trước các tác động trái chiều trên thị trường, với chỉ số MSCI (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,1%.

Tại Nhật Bản, bất chấp số liệu không mấy tích cực về đơn đặt hàng máy móc, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo vẫn ghi thêm 29,71 điểm (0,34%) và đóng cửa ở mức 8.793,12 điểm.

Theo thống kê, các đơn hàng máy móc chủ chốt của khu vực tư nhân, một trong những chỉ số hàng đầu cho thấy hoạt động chi tiêu vốn của doanh nghiệp, đã giảm 8,2% trong tháng 7/2011, sau khi đã tăng 7,7% trong tháng 6/2011.

Một số nhà phân tích nhận định con số thống kê này cho thấy lợi nhuận của các công ty đã sụt giảm, do sự mạnh lên của đồng yen trong thời gian gần đây, trong bối cảnh mối lo ngại về "sức khỏe" của kinh tế toàn cầu ngày càng được "đào sâu."

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chứng khoán Nhật Bản vẫn được đẩy lên trong phiên này là nhờ nhận được tác động tích cực từ chứng khoán Phố Wall đêm trước. Một chiến lược gia thuộc công ty Okasan Securities cho biết vào thời điểm này nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu đều cho thấy những biểu hiện rất khả quan.

Phiên này, cổ phiếu của nhiều công ty liên quan đến sản xuất chip tại Nhật Bản đều tăng giá, sau khi quan chức cấp cao của tập đoàn Intel cho biết trong quý III/2011 hãng này sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra trước đó. Cụ thể, cổ phiếu của công ty Tokyo Electron và Advantest tăng lần lượt 2,96% và 0,76% lên tương ứng 3.650 yen/cổ phiếu và 928 yen/cổ phiếu.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, sau khi tăng điểm vào đầu phiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) quay đầu giảm 17,15 điểm (0,68%) xuống 2.498,94 điểm, trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi số liệu về tỷ lệ lạm phát trong tháng 8/2011 của Trung Quốc.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng đóng cửa cũng giảm 135,18 điểm (0,67%) xuống 19.912,82 điểm, do hoạt động bán ra chốt lời sau hai phiên tăng điểm của chỉ số này. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Hong Kong còn chịu sức ép khi các nhà đầu tư trên thị trường vẫn tỏ ra thận trọng trước cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro và đà phục hồi "èo uột" của kinh tế Mỹ.

Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney chỉ nhích nhẹ 4,6 điểm (0,11%) lên 4.188 điểm, sau khi nước này công bố tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8/2011 đã tăng lên 5,3%.

Nhà phân tích Ben Potter, thuộc IG Markets cho rằng nhiều nhà giao dịch đang quan tâm đến việc bán ra chốt lời, khi cổ phiếu tăng giá trong thời gian gần đây và số liệu đáng thất vọng về thị trường việc làm càng hối thúc họ mau chóng tiến hành hoạt động bán ra hơn. Còn tại "xứ sở Kim chi", chỉ số Kopsi của thị trường chứng khoán Seoul tăng 13,18 điểm (0,72%) lên 1.846,64 điểm.

Đêm trước, sắc xanh bao trùm các thị trường chứng khoán hai bên bờ Đại Tây Dương, sau khi Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức ra phán quyết cho phép chính phủ nước này đóng góp vào các khoản cứu trợ cho các nước đang "ngập trong nợ nần" tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đây được xem là một động thái quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực đồng euro, bởi Đức hiện là nước có đóng góp lớn nhất cho quỹ cứu trợ kinh tế của khu vực này.

Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp, việc Đức tham gia đóng góp cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), được cho là có trị giá lên tới 750 tỷ euro (khoảng 1.065 tỷ USD), là hợp pháp, nhằm duy trì sự ổn định về tài chính và tiền tệ tại Eurozone.

Bên cạnh đó, chứng khoán Phố Wall còn nhận được sự hỗ trợ từ dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khi cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng dù chậm chạp, giúp phác họa nên một bức tranh kinh tế sáng sủa hơn so với các số liệu bi quan gần đây.

Cụ thể, tại Mỹ chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 275,56 điểm (2,47%) và đóng cửa ở mức 11.414,86 điểm, sau khi liên tiếp sụt giảm trong ba phiên trước đó; còn chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 33,38 điểm (2,86%) lên 1.198,62 điểm.

Trong khi tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London tăng 3,14% lên 5.318,59 điểm; còn chỉ số CAC 40 của thị trường chứng khoán Paris tăng 3,63% lên 3.073,18 điểm.

Tuy nhiên, Scott Marcouiller, chiến lược gia thuộc Wells Fargo Advisors cảnh báo vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường lo ngại về đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề nợ nần tại khu vực đồng euro./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục