Chứng khoán châu Á bất nhất do số liệu kinh tế Mỹ

Các thị trường chứng khoán biến động không đồng nhất, giữa lúc các số liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư.
Trong phiên giao dịch ngày 4/6 tại thị trường châu Á, các thị trường chứng khoán biến động không đồng nhất, giữa lúc các số liệu kinh tế tiêu cực mới đây của Mỹ đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư, trong khi chứng khoán Nhật Bản lại hưởng lợi từ sự hạ giá của đồng yên, sau khi giảm tới 15% trong 10 ngày giao dịch trước đó.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 271,94 điểm, tương đương 2,05%, lên 13.533,76 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX200 cũng ghi thêm 12,5 điểm (0,26%), lên 4.900,8 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lại không biến động đáng kể so với phiên trước, chỉ hạ nhẹ 0,06 điểm, xuống còn 1.989,51 điểm.

Tại Trung Quốc, xu hướng trồi sụt thất thường cũng diễn ra tại hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong.

Chỉ số Shanghai Composite tiếp tục giảm 26,83 điểm (1,17%), xuống 2.272,42 điểm, sau khi ngân hàng HSBC công bố kết quả khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm trong tháng 5/2013. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng lại đảo chiều tăng 3,3 điểm (0,01%), lên 22.285,52 điểm.

Đêm trước (3/6), chứng khoán Mỹ đã khởi đầu tuần mới trong không khí hứng khởi, với đà phục hồi mạnh mẽ, bất chấp các số liệu đáng thất vọng mới đây về hoạt động chế tạo và chi tiêu cho ngành xây dựng của Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 138,46 điểm, tương đương 0,92%, lên 15.254,03 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 9,68 điểm (0,59%), lên 1.640,42 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 9,45 điểm (0,27%), đóng cửa ở mức 3.465,37 điểm.

Xu hướng ngược dòng tăng điểm của Phố Wall trong phiên giao dịch đầu tuần nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư, bởi các báo cáo kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy những số liệu không mấy lạc quan.

Cụ thể, chỉ số quản lý sức mua trong tháng 5 của Viện quản lý nguồn cung Mỹ đã bất ngờ sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012. Thêm vào đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng chỉ ra rằng đầu tư vào hoạt động xây dựng tại nước này trong tháng 4 vừa qua chỉ tăng 0,4%, thấp hơn một nửa so với mức tăng dự kiến.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng các thông tin kinh tế tiêu cực trên đã góp phần làm dịu bớt những lo ngại về nguy cơ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm rút lại các chương trình mua trái phiếu.

Ngoài ra, sự đi lên của các chỉ số chứng khoán Mỹ còn được hỗ trợ bởi báo cáo cho hay doanh số bán ôtô của Mỹ trong tháng 5 đã bật tăng đáng kể, cho thấy sự phục hồi rõ rệt của ngành công nghiệp ôtô nước này.

Đáng chú ý là giá cổ phiếu của hãng sản xuất ôtô Ford tăng 1,3% sau khi hãng công bố doanh số bán xe hơi trong tháng 5 vừa qua tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu của General Motors cũng tiến thêm 1,6% nhờ doanh số bán tăng tương ứng 3,1%.

Trái với diễn biến tại Mỹ, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại đua nhau "đổ dốc" trong phiên giao dịch 3/6, do hoạt động bán tháo chốt lời của giới đầu tư, cũng như những lo ngại về kinh tế Đức, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2013.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 0,88%, xuống còn 6.525,12 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cũng giảm 0,71%, xuống 3.920,67 điểm.

Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 mất 0,76%, đóng cửa ở mức 8.285,80 điểm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục