Theo báo cáo từ Ủy ban Chứng khoán, trong năm 2019, tình hình kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới kém tích cực... nhưng được sự hỗ trợ từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng trên nhiều khía cạnh, là điểm hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư nước ngoài.
Thị trường duy trì tăng trưởng
Tại buổi Tổng kết hoạt động thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Ủy ban cho biết tính đến ngày 6/12, trên thị trường niêm yết chỉ số VN-Index đạt 963,56 điểm (tăng 8%) và HNX-Index đóng cửa ở mức 102,5 điểm (giảm 1,7%) so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường vẫn đạt 4,38 triệu tỷ đồng tăng 10,7% và tương đương 79,2% GDP năm 2018; quy mô giao dịch chỉ đạt 4.639 tỷ đồng/phiên và giảm 29% so với bình quân năm trước.
[Thủ tướng: Chính phủ tiếp tục cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp]
Về điều này, ông Sơn Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ: “2019 là một năm phức tạp, việc thị trường duy trì tăng trưởng và VN-Index tiếp tục đi lên là nỗ lực cao của các thành viên, nhờ đó đã không có đổ vỡ lớn và không ảnh hưởng đến toàn cục chung của thị trường chứng khoán.”
Ông Sơn cho biết thêm, trải qua một năm đầy khó khăn, doanh thu của các công ty chứng khoán sụt giảm trên 20%. Bên cạnh đó, việc khối lượng giao dịch bình quân trong các phiên đi xuống khiến hàng hóa mới vào bị giảm sút, con số cấp phép phát hành chỉ bằng một nửa so với năm trước.
Cải thiện chất lượng nguồn cung
Theo báo cáo, mặc dù tổng vốn huy động trên thị trường chứng khoán năm nay ước đạt 302.600 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái song hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn chỉ tổ chức được 41 phiên đấu giá với tổng giá trị bán được là 4.996 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 84,5% và thu về 4.430 tỷ đồng. Ngoài ra, có 5 phiên đấu giá khác phát hành thêm, đấu giá quyền mua… và thu về 360 tỷ đồng cho doanh nghiệp và Nhà nước.
Ông Sơn nhận định nguyên nhân dẫn đến việc trên là bởi các doanh nghiệp thoái vốn, cổ phần hóa kém hơn nhiều so với các năm qua. “Có thể vì họ cho rằng tình hình thị trường không tốt sẽ khiến các đợt phát hành khó có khả năng thành công,” ông nói.
Do đó, sang năm 2020, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường lượng cung hàng hóa đồng thời cải thiện chất lượng nguồn cung trên thị trường. Cụ thể, Ủy ban tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước (giai đoạn 2017 – 2020) theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời gia tăng kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết và đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa.
“Ngoài ra, Ủy ban cũng tiến hành nghiên cứu đề xuất nền tảng giao dịch cổ phần của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đồng thời nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech), chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract), xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC) và xây dựng, ban hành Đề án thí điểm mô hình huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding),” Chánh văn phòng Ủy ban chia sẻ./.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu: