“Chương trình tìm kiếm những thiết kế quốc phục ấn tượng, hiện đại nhưng vẫn phản ánh được nét văn hóa Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè thế giới. Đặc biệt, trong phần thi này ban giám khảo sẽ chú trọng vào tính khả thi thực hiện hóa từ ý tưởng của mình cũng như bảo đảm tính trình diễn sân khấu.”
Bà Dương Trương Thiên Lý, Giám đốc quốc gia Miss Universe Việt Nam chia sẻ về tiêu chí và mục tiêu của cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế quốc phục cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2016.”
Sau gần hai tháng phát động, chương trình đã thu hút gần 100 bài dự thi. Ban giám khảo đã chọn ra 10 mẫu tốt nhất vào vòng phỏng vấn.
Thành phần ban giám khảo của vòng thi này bao gồm: Giám đốc quốc gia Miss Universe tại Việt Nam Dương Trương Thiên Lý; chuyên gia đầu ngành và có nhiều kinh nghiệm thiết kế trang phục truyền thống, thạc sỹ mỹ thuật Sĩ Hoàng; nhà thiết kế Thuận Việt (người đã thực hiện trang phục cho các đại diện Việt Nam tại Miss Universe trong các năm 2008 – Hoa hậu Thùy Lâm, 2011- Á hậu Hoàng My, 2012 – Hoa hậu Diễm Hương, 2013 – Á hậu Trương Thị May, 2015 – Hoa hậu Phạm Hương).
Là người đẹp đã từng có kinh nghiệm ở đấu trường Miss Universe, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Phạm Hương đặc biệt lưu ý các bài thi phải tính đến giải pháp, cách xử lý để người đại diện Việt Nam kế nhiệm cô tại Miss Universe 2016 có được sự tiện lợi và thật tự tin khi trình diễn trên sàn diễn quốc tế này.
10 tác phẩm được chọn vào vòng trong đã đem đến cho các ban giám khảo nhiều bất ngờ từ cách thể hiện, chất liệu, đầu tư bài bản và khá chuyên nghiệp đến thuyết trình. Các thí sinh có những em không chuyên về thiết kế thời trang, có em là học sinh, sinh viên ngành xây dựng, chuyên về đồ họa.
Bài dự thi của Thạch Thành Đạt đến từ Sóc Trăng (thí sinh nhỏ tuổi nhất, mới 17 tuổi) lọt vào top 10 chung cuộc với ý tưởng Mẹ Âu Cơ.
Trong khi đó, thí sinh lớn tuổi nhất Nguyễn Hữu Bình lấy ý tưởng nón lá, hình ảnh cố đô Huế qua hình tượng chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền mang màu sắc lễ hội, vui tươi thay vì thể hiện vẻ trầm mặc vốn có của Huế.
Bài dự thi của cậu sinh viên ngành xây dựng Đặng Thế Anh lại giới thiệu nét đặc trưng của vùng Tây Bắc với ruộng bậc thang, khăn vấn đầu.
Trang phục của Nguyễn Đức Hải được lấy ý tưởng từ phụ nữ quý tộc thời Lê Trung Hưng và hình tượng tiên nữ trong các tác phẩm điêu khắc gỗ đình làng vào thế kỷ thế 17. Khi được ban giám hỏi nếu bài được chọn để thực hiện hóa, ai sẽ giúp bạn may trang phục, Hải đã không ngần ngại trả lời sẽ là mẹ mình.
Thí sinh nữ duy nhất lọt vào top 10 là Phạm Lâm Mỹ, sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang. Cô đã mang đến bất ngờ khi sử dụng chất liệu gỗ làm vương miện và chất liệu mica uốn nhuộm màu cho thiết kế của mình.
Thái Trung Tín thì vô cùng tỉ mỉ khi mô phỏng trên búp bê cho hai bài dự thi của mình.
Ban giám khảo cho biết, sau phần thuyết trình, sẽ đánh giá và quyết định đưa ra kết quả trong đầu tháng 10 tới./.