“Chung kết” tại Vinh và nghịch lý buồn V-League

Trong thời điểm mà SLNA cùng Hà Nội T&T tranh chức vô địch ở Vinh thì một tượng đài của V-League là ĐTLA lại có thể phải xuống hạng.

“Mọi ngả đường đều dẫn về thành Vinh.” Từ một tuần nay, báo chí đã liên tục nói như thế về trận “chung kết” quyết định chức vô địch V-League 2011 giữa Sông Lam Nghệ An và nhà quán quân mùa trước Hà Nội T&T trên sân Vinh ở vòng đấu cuối cùng vào chiều Chủ nhật.

Tại thành Vinh, bầu không khí trước trận đấu trở nên vô cùng nóng bỏng. 25 ngàn vé đã được bán hết sạch từ trước trận đấu vài ngày. Lực lượng cảnh sát được huy động tối đa, trang bị cả vòi rồng, camera… để bảo vệ an ninh sân bãi.

Lãnh đạo SLNA đăng đàn tuyên bố đội nhà quyết thắng để đáp ứng lòng mong mỏi của 3 triệu người dân Nghệ An, đã khát khao chức vô địch suốt từ 10 năm nay. Ông bầu của Hà Nội T&T thì treo thưởng 10 tỷ đồng để quyết giữ chiếc cúp ở lại thủ đô.

Tóm lại, hiếm có trận bóng đá nội nào lại tạo được bầu không khí sục sôi đến thế. Trên các tờ báo thể thao, mật độ bài viết về trận “chung kết V-League” thậm chí còn nhiều hơn cả cuộc thư hùng tầm thế giới giữa Barcelona và Real Madrid.

Dĩ nhiên, đó hẳn là một điều đáng mừng cho những người làm bóng đá, nhất là trong bối cảnh ở  nhiều trận đấu, số khán giả đến sân chỉ lèo tèo vài mống, còn giải càng về cuối càng có nhiều dư luận về chuyện “đá bóng bàn,” hay những lời phàn nàn về công tác trọng tài yếu kém.

Ai cũng hiểu, sức sống của một nền bóng đá phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của giải vô địch quốc gia, hơn là bộ mặt của đội tuyển quốc gia ở những giải đấu quốc tế. Những lời tán tụng rằng “V-League là giải đấu hay nhất Đông Nam Á,” hay những phát biểu cao hứng rằng V-League ngày càng có giá khi một cầu thủ từng khoác áo Đồng Tháp lọt mắt Atletico Madrid không thể giá trị bằng một trận đấu thu hút sự quan tâm lớn của cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ, như trận SLNA-HN T&T vào chiều mai.

Nhưng thật ra, những trận đấu “đỉnh cao” như thế cũng đã từng xảy ra cách đây cả chục năm, thời mà V-League chỉ mới bắt đầu đi lên chuyên nghiệp, với những cánh chim đầu đàn như Gạch Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai.

Đó chính là những đội bóng đi tiên phong trong việc đặt ra những quy tắc, rồi nền móng cho giải bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Và khi ấy, những cuộc đối đầu giữa “Gạch” và “Gỗ” cũng từng tạo nên những cơn sốt ở vựa lúa Long An hay phố núi Pleiku.

Vậy nhưng, trong buổi chiều mà “mọi ngả đường đều dẫn về thành Vinh” thì rất có thể, một trong hai tượng đài nói trên của V-League là ĐTLA lại có thể phải nói lời chia tay với giải đấu mà họ từng làm mưa làm gió suốt một thời gian dài. Nói theo cách dân dã thì “Gạch” sắp đến ngày “vỡ nát.”

Điều đáng nói là “Gạch” vỡ vì đã không chịu đi theo những xu thế thời thượng ở V-League. Nói như ông bầu Võ Quốc Thắng thì đó là những cách làm đi ngược lại với những giá trị của bóng đá chuyên nghiệp thực thụ.

“Gạch” không bỏ tiền tỷ để lót tay cho các cầu thủ, như điều mà các đội bóng đang làm, đẩy cái giá chuyển nhượng lên cao một cách phi lý so với mặt bằng chung. “Gạch” không hứa thưởng tiền tỷ khi đội bóng lâm vào thế khó khăn như điều mà nhiều đội bóng vẫn thường làm, dẫn đến chuyện người ta kháo nhau, có khi trụ hạng còn được thưởng nhiều hơn là đua tranh chức vô địch.

Nhưng cũng chính vì thế mà “Gạch” trở nên lạc lõng. Để rồi vào giờ phút một đội bóng nào đó đang giơ cao chiếc cúp vô địch ở Vinh thì cách đó không xa, tại Thanh Hóa, V-League có thể phải nói lời chia tay với một tượng đài.

Vậy không biết nên vui hay nên buồn đây?/.

Lịch thi đấu vòng 26 V-League 2011
(16 giờ ngày 21/8)

Sông Lam Nghệ An - Hà Nội.T&T
Vicem Hải Phòng - Hà Nội ACB
TĐCS.Đồng Tháp - Becamex Bình Dương
Hoàng Anh Gia Lai - Vissai Ninh Bình
SHB Đà Nẵng - Navibank Sài Gòn
Thanh Hóa - Đồng Tâm Long An
Hòa Pháp Hà Nội - Khatoco Khánh Hòa
 BXH Emximbank V-Leguea 2011
 XH  Đội  Số trận
 Hiệu số
 Điểm
 1 Sông Lam Nghệ An
 25  19  48
 2 Hà Nội T&T
 25  20  45
 3 SHB Đà Nẵng
 25  17  43
 4 Becamex Bình Dương
 25  0  36
 5 Ninh Bình
 25  1  36
 6 Thanh Hóa
 25  4  34
 7 Cao su Đồng Tháp
 25  -4  34
 8 Navibank Sài Gòn
 25  -1  33
 9 Hoàng Anh Gia Lai
 25  4  32
 10 Khatoco Khánh Hòa
 25  -6  32
 11 Vicem Hải Phòng
 25  -12  29
 12 Hòa Phát Hà Nội
 25  -5  29
 13 Đồng Tâm Long An
 25  -14  27
 14 Hà Nội ACB
 25  -22  25
Lâm Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục