Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, chứng chỉ xanh về COVID-19 đã có hiệu lực ở Đan Mạch, Pháp và sắp tới là Italy.
Hộ chiếu sức khỏe đang được tăng cường sử dụng tại các quốc gia châu Âu. Điều này cho phép người sở hữu, là những người đã được tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính, quyền đến một số địa điểm công cộng.
Hồi mùa Xuân, Hungary và Đan Mạch là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai thẻ sức khỏe. Ở Đan Mạch, đây là giấy thông hành để đến một số nơi như tiệm làm tóc hoặc phòng tập.
Tuy nhiên, từ ngày 1/8, thẻ sức khỏe sẽ không còn bị bắt buộc khi đến bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát.
Và kể từ ngày 1/9, các quán bar và nhà hàng sẽ không còn yêu cầu khách hàng trình chứng chỉ xanh về sức khỏe.
Ở Hungary, giấy chứng nhận miễn dịch được cấp sau khi tiêm liều vaccine đầu tiên. Tờ giấy này được yêu cầu tại các cơ sở y tế, là tấm thẻ để được tham gia các sự kiện thể thao hoặc âm nhạc cũng như các sự kiện quy tụ hơn 500 người.
[COVID-19: Những điều cần biết về Chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu]
Tại Áo, người dân bắt buộc phải có "thẻ xanh sức khỏe" kể từ đầu tháng Bảy để vào các nhà hàng và địa điểm văn hóa nói riêng. Còn ở Luxembourg, các cửa hàng đều yêu cầu khách hàng trình "thẻ xanh về COVID-19."
Ở Bồ Đào Nha, du khách đến nghỉ tại khách sạn hoặc chơi thể thao đều bắt buộc phải trình giấy chứng nhận này. "Thẻ xanh" cũng được yêu cầu khi vào nhà hàng nhưng chỉ vào dịp cuối tuần và tại các khu vực được coi là có nguy cơ cao.
Pháp là một trong những quốc gia cuối cùng tham gia phong trào này. Thẻ sức khỏe bắt buộc kể từ ngày 21/7 tại các cơ sở giải trí và văn hóa quy tụ hơn 50 người như rạp chiếu phim, bảo tàng.
Vào đầu tháng Tám, giấy chứng nhận sức khỏe sẽ được áp dụng cho các quán càphê, hội chợ và triển lãm, cho việc di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa và xe khách đường dài, cũng như các cơ sở y tế.
Từ ngày 6/8, Italy sẽ áp đặt "thẻ xanh" để vào các địa điểm khép kín như quán bar và nhà hàng, bể bơi, nhà thi đấu, sân thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, công viên giải trí...
Trong khi đó, Ireland chỉ yêu cầu tấm thẻ này khi khách muốn vào các phòng trong nhà của các nhà hàng và quán rượu.
Đức và Tây Ban Nha lại giao quyền cho các vùng. Ở Tây Ban Nha, Galicia (phía Bắc) là khu vực đầu tiên yêu cầu giấy chứng nhận sức khỏe để được vào các quán bar và nhà hàng tại các quận bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19.
Ở Canaries, phải có thẻ sức khỏe mới được vào rạp chiếu phim, nhà hát và phòng thể thao ở các thành phố có tỷ lệ mắc bệnh vượt 500 trường hợp trên 100.000 dân.
Ở Đức, tùy thuộc vào từng bang, giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính có thể được yêu cầu để vào các địa điểm như khách sạn, nhà thi đấu thể thao, rạp chiếu phim...
Ở Nga, từ hồi tháng Sáu, khu vực Moskva đã áp dụng thẻ sức khỏe để đến nhà hàng. Tuy nhiên, biện pháp này buộc phải dỡ bỏ chỉ sau ba tuần.
Tại Thụy Sỹ, thẻ sức khỏe chỉ bắt buộc trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như để tham gia các sự kiện có hơn 1.000 người tham dự hoặc tới các địa điểm hẹp như hộp đêm.
Hiện nay đã có 33 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và ngoài EU áp dụng " thẻ xanh kỹ thuật số về COVID-19." Một số quốc gia EU đã tích hợp quyền quốc gia vào giấy thông hành y tế châu Âu. Điều này có nghĩa bằng cách xuất trình chứng chỉ này trên lãnh thổ quốc gia, người sở hữu có thể được vào các địa điểm khác nhau mà không cần phải tuân theo các hạn chế.
Đối với EU, thách thức là ngăn chặn sự "vênh nhau" giữa các quốc gia trong việc áp dụng "thẻ xanh sức khỏe," mà không vi phạm các quyền cơ bản của công dân. Do đó, thẻ sức khỏe châu Âu đã được hướng theo ý này./.