Chuẩn mực kế toán Việt Nam: "Ta không thể chơi ở sân riêng được"

Do chưa ban hành một số chuẩn mực kế toán nên không ít giao dịch của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam chưa có căn cứ để ghi nhận.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam: "Ta không thể chơi ở sân riêng được" ảnh 1 Chuẩn mực kế toán quốc tế hiện đã có nhiều thay đổi nhưng của Việt Nam vẫn chưa được cập nhật. (Nguồn: TTXVN)

Chuẩn mực kế toán tại Việt Nam đã ban hành cách đây cả chục năm và thiếu tới 17 chuẩn mực so với thông lệ quốc tế. Sự lạc hậu ấy được một vị lãnh đạo ngành tài chính ví von, chuẩn mực của Việt Nam hiện như bản xét nghiệm máu của vài năm trước nhưng lại dùng để đánh giá sức khỏe hiện tại.

Vấn đề này được đề cập tới trong hội thảo “Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) tại Việt Nam".

Không có căn cứ ghi nhận giao dịch

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán Kiểm toán (Bộ Tài chính) Trịnh Đức Vinh, trong khoảng năm 2000-2005, Việt Nam đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán (VAS), trong đó có chọn lọc các quy định theo chuẩn mực quốc tế.

[Định hướng áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam]

Tuy nhiên, ông thừa nhận, VAS còn thiếu khoảng 17 chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như chuẩn mực về nông nghiệp, thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản, về tổn thất tài sản, giá trị hợp lý... Điều này dẫn tới khó khăn trong công tác kế toán của doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, ông lấy ví dụ về việc nhiều tài sản nhanh chóng lạc hậu do thay đổi công nghệ nhưng chưa được ghi nhận tổn thất. Việc này khiến tài sản bị đánh giá cao hơn giá trị có thể thu hồi làm giảm khả năng bảo toàn vốn.

Ngoài ra, theo ông, chuẩn mực và chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam chưa có những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể về thuyết minh các thông tin rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Thực tế trên có thể gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh tế của các nhà đầu tư.

Thậm chí, ông thừa nhận, do chưa ban hành một số chuẩn mực kế toán nên không ít giao dịch của nền kinh tế thị trường chưa có căn cứ để ghi nhận, ví dụ như các giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu, ghi nhận tổn thất tài sản, ghi nhận và xác định giá trị các công cụ tài chính…

Nguyên nhân các hạn chế trên theo ông Vinh bởi VAS được ban hành vào những năm đầu thế kỷ 21, khi trình độ quản lý tại Việt Nam ở mức độ thấp, các giao dịch của nền kinh tế thị trường chưa phát sinh nhiều.

Chưa kể, sau 14 năm từ khi ban hành, chuẩn mực quốc tế hiện đã có nhiều thay đổi nhưng VAS chưa được cập nhật và ban hành lại.

"VAS như một bản xét nghiệm máu của dăm ba năm trước nhưng lại đánh giá tình hình sức khỏe hiện tại thì thông số đó sao chứng minh được tình hình sức khỏe của ta hôm nay," ông lên tiếng.

Qua đó vấn đề được lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát Kế toán Kiểm toán nêu lên là cập nhật, ban hành mới toàn bộ hệ thống VAS theo hướng phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

"Ta không thể chơi ở sân riêng được, ta phải vào sân chơi chung," ông nói.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam: "Ta không thể chơi ở sân riêng được" ảnh 2Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn mong nhận được sự đóng góp để áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Sẽ thúc đẩy huy động vốn

Góp ý cho vấn đề này, ông Kitamura Shu, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam, cho rằng, hiện đã có trên 138 quốc gia trên thế giới áp dụng IFRS.

Với Malaysia, vị này lấy ví dụ, nước này đã áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính chuẩn quốc tế với doanh nghiệp niêm yết từ năm 2012.

Theo đánh giá, việc áp dụng IFRS tại đây làm tăng khả năng so sánh, độ tin cậy đối với thông tin tài chính, từ đó thúc đẩy huy động vốn từ các nhà đầu tư của các nước trên thế giới với doanh nghiệp Malaysia.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Malaysia đang hoạt động kinh doanh trên toàn cầu có thể hợp nhất được báo cáo tài chính mà không cần bổ sung chỉnh sửa thông tin tài chính của công ty con ở nước ngoài. Điều này theo đại diện JICA đã thúc đẩy hiệu quả trong quản lý kinh doanh.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, để phát triển kinh tế xã hội bền vững, bao trùm thì yêu cầu minh bạch hóa, từng bước thực hiện chuẩn mực quốc tế với báo cáo tài chính là cần thiết.

Theo ông, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã thành lập ban chỉ đạo soạn thảo và ban biên tập đề án về lộ trình và kế hoạch thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước để xây dựng đề án. Dự thảo cho đề án trên được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tiết lộ là hiện đã "cơ bản thống nhất trong Bộ Tài chính." Phía bộ đang làm thủ thục để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan.

Theo Thứ trưởng, nghị quyết của Chính phủ năm 2019 đã yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thành đề án trình Thủ tướng phê duyệt.

Trong quá trình này, ông bày tỏ mong muốn nhận được sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, trong nước để có cái nhìn bản chất với các chuẩn mực dự kiến áp dụng tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục