Chuẩn hóa hệ thống kiểm dịch động, thực vật phù hợp thông lệ quốc tế

Đề án nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hội nhập sâu rộng của Việt Nam, mở rộng xuất khẩu.
Chuẩn hóa hệ thống kiểm dịch động, thực vật phù hợp thông lệ quốc tế ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 4/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do.”

Sau gần 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt gần đây là các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Các cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong khuôn khổ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP được đánh giá là có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao đối với Việt Nam.

Việc các hiệp định có hiệu lực và bắt đầu đi vào thực thi sẽ có tác động mạnh đến việc tổ chức thực hiện và áp dụng các quy định về SPS.

Việc các đối tác cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, cũng đồng nghĩa với các yêu cầu về kỹ thuật về SPS ngày càng cao và đòi hỏi hệ thống quản lý phải đồng bộ. Việc này đang đặt ra nhiều thách thức với các bộn ngành, cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất và chế biến thực phẩm, nông sản xuất khẩu.

Trong khi đó, việc tổ chức triển khai các quy định SPS đến các cơ quan quản lý trong mạng lưới SPS, hiệp hội ngành hàng, các đối tượng sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm còn hạn chế.

[Việt Nam-Thái Lan đẩy mạnh hợp tác về thú y và kiểm dịch động vật]

Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa cao, trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe về kỹ thuật của các biện pháp SPS mà các nước đối tác áp dụng.

Việc xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do” là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới và thương mại nông sản thực phẩm toàn cầu.

Đề án sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định luật pháp trong lĩnh vực SPS; hoàn thiện về thể chế trong áp dụng các biện pháp SPS. Đặc biệt là xây dựng Quy chế phối hợp triển khai các cam kết về SPS và mở cửa thị trường nông lâm sản và thủy sản, đặc biệt là thực thi nghĩa vụ về minh bạch hóa trong khuôn khổ WTO và các FTA.

Đề án sẽ giúp tận dụng tốt cơ hội hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực về SPS từ các đối tác thương mại là các nước phát triển; đào tạo nâng cao nhận thức cho người quản lý, người sản xuất về vai trò và tầm quan trọng của biện pháp SPS nhằm bảo vệ sức khoẻ con người và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản thực phẩm quốc tế; đào tạo, phổ biến các quy định về SPS của thị trường, việc tuân thủ các qui định trong xâm nhập và mở rộng thị trường…

Do đó, mục tiêu của đề án là nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế. Đồng thời, xây dựng các biện pháp SPS phù hợp để bảo vệ sức khỏe con người và động thực, vật trên lãnh thổ Việt Nam.

Đề án cũng sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của các nước thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.

Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể như đến năm 2025 là 100% các địa phương kiện toàn hệ thống đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường nhập khẩu. Đến năm 2030, 100% các hợp tác xã được phổ biến, cập nhật các quy định SPS của thị trường nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục