Ngày 20/4, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Bộ Giáo dục Philippines - Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về giáo dục (SOMED) - đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Chuẩn bị lực lượng lao động ASEAN cho giai đoạn hậu COVID-19."
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, sự kiện trên nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo với chủ đề về ASEAN do Ban Thư ký ASEAN và ERIA phối hợp tổ chức nhằm thảo luận và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và đề xuất chính sách thúc đẩy phục hồi hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội Kung Phoak nhấn mạnh rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây tác động tại các nước, hợp tác khu vực trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. ASEAN cần tận dụng cơ hội duy nhất này nhằm giải quyết khoảng cách về kỹ năng và tình trạng thất nghiệp thông qua nhiều cách tiếp cận.
Theo ông, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng 6/2020, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định cam kết trang bị năng lực cho nguồn nhân lực của khu vực nhằm sẵn sàng cho tương lai, thông qua Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.
Để đạt được mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thúc đẩy giáo dục-đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET). Nhận thức được tầm quan trọng từ sức mạnh tổng hợp và sự hợp tác giữa các ngành trong việc thúc đẩy TVET, ASEAN đã thành lập Hội đồng TVET vào tháng 6/2020 nhằm tạo điều kiện phối hợp, nghiên cứu và phát triển về đổi mới sáng tạo, và giám sát các chương trình TVET trong khu vực.
[ASEAN công bố báo cáo về năng suất lao động khu vực]
Tại hội thảo, các diễn giả gồm Phó Tổng vụ trưởng Vụ Chính sách và kế hoạch thuộc Cơ quan Giáo dục kỹ thuật và phát triển kỹ năng Philippines (TESDA) Rosanna Urdaneta; Giám đốc Chương trình Hợp tác khu vực về TVET (RECOTVET) Ingo Imhoff; chuyên gia tư vấn đo lường sản phẩm Huỳnh Thị Thanh Tâm thuộc Công ty TNHH Bosch Việt Nam đã trình bày các tham luận về phát triển, tái xây dựng hệ thống TVET của ASEAN hậu đại dịch COVID-19, tạo điều kiện việc làm cho thanh niên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như chia sẻ sự nghiệp thành công nhờ TVET.
Các diễn giả và khách mời khẳng định rằng quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động rất lớn đến các nền kinh tế, các ngành công nghiệp và việc làm trong toàn khu vực ASEAN.
Theo đó, tạo hoặc chuyển đổi việc làm, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, khoảng cách kỹ năng, khả năng thích ứng của nguồn nhân lực và giáo dục trước nhu cầu thay đổi của thị trường lao động, văn hóa học tập suốt đời thông qua nâng cao và bồi dưỡng kỹ năng cũng như các hình thức quan hệ việc làm mới là những vấn đề nổi cộm cần được giải quyết.
Đặc biệt, do tác động của đại dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực kinh tế-xã hội, ASEAN cần quản lý quá trình chuyển đổi này bằng cách chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai công việc. Trong đó, phát triển kỹ năng thông qua TVET và học tập suốt đời là chìa khóa nhằm tái thiết tốt hơn.
Với khả năng đáp ứng nhanh chóng trước sự thay đổi của thị trường lao động, TVET có thể hỗ trợ các cơ hội việc làm, nâng cao năng lực và năng suất, cải thiện thu nhập của người lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, và hỗ trợ các kỹ năng kỹ thuật số để phát triển phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.