Chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan

Số ca mắc COVID-19 của Việt Nam thời gian qua tuy có biến động nhưng không tăng đột biến, Bộ Y tế hiện đang chuẩn bị các hồ sơ để công bố hết dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thống kê tuần từ 21-27/5, Việt Nam ghi nhận 7.776 ca mắc COVID-19, tiếp tục giảm so với tuần trước đó.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11,6 triệu ca mắc, trong đó có 10,6 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong tuần có 4 ca tử vong (2 ca ở Bến Tre, 1 ca ở Hà Nội, 1 ca ở Tây Ninh), hiện số ca tử vong của nước ta là 43.206 trường hợp. 22 bệnh nhân nặng đang được theo dõi.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, số ca mắc COVID-19 của Việt Nam thời gian qua tuy có biến động nhưng không tăng đột biến, Bộ Y tế hiện đang chuẩn bị các hồ sơ để công bố hết dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng có khuyến cáo mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19 nhưng không có nghĩa là COVID-19 đã hết.

Do đó, người dân cần chủ động phòng, chống dịch, tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang, khử khuẩn và tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn; đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao, những người có hệ miễn dịch suy giảm, người cao tuổi, có bệnh nền,… cần tiêm chủng đủ liều, đúng lịch.

Ban hành kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 năm 2023

Tính đến ngày 27/5, Việt Nam đã có hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm; trong đó tiêm tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 223 triệu liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là hơn 23,9 triệu liều; tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là hơn 18,7 triệu liều.

Để tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trong năm 2023 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, đồng thời có sự chuẩn bị để triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi và tiêm các mũi vaccine nhắc lại tiếp theo khi có khuyến cáo, Bộ Y tế đã có quyết định ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 để làm căn cứ cho các địa phương tự xác định nhu cầu vaccine, xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn phù hợp với tình hình.

[Ngày 27/5: Số ca mắc mới COVID-19 giảm, 198 trường hợp khỏi bệnh]

Về chiến lược sử dụng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế nêu rõ: Sử dụng tối đa các loại vaccine hiện có, đặc biệt là vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo hoặc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp và vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Áp dụng các cách thức phối hợp các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau căn cứ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm sử dụng vaccine của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới để tạo hiệu quả miễn dịch cao, đảm bảo an toàn. Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo khuyến cáo của WHO. Sử dụng vaccine theo nhu cầu đề xuất của địa phương, nhu cầu của người dân và lượng vaccine được cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế ước tính đến hết năm 2023, nhu cầu vaccine phòng COVID-19 của các địa phương cần bổ sung là hơn 2,259 triệu liều. Nhu cầu này có thể thay đổi theo đề xuất của địa phương.

Đối tượng cụ thể được tiêm chủng theo kế hoạch trên, gồm: người từ 18 tuổi trở lên: người thuộc đối tượng tiêm, người chưa tiêm các mũi nhắc lại và người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 17 lên 18 tuổi); người từ 12 đến dưới 18 tuổi: người chưa tiêm đủ 3 mũi, người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 11 lên 12 tuổi); người từ 5 đến dưới 12 tuổi: người có nhu cầu tiêm mũi cơ bản.

Việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên sẽ được Bộ Y tế khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể khi có đủ căn cứ, cơ sở khoa học và phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế, vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023 vẫn được tiêm miễn phí. Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch này là từ ngân sách nhà nước, quỹ vaccine phòng COVID-19 và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp tác khác. Tiêm chủng chiến dịch và/ hoặc có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

Chưa có khuyến cáo về tiêm nhắc vaccine COVID-19 hằng năm

Căn cứ khuyến cáo của WHO và các tổ chức quốc tế khác cũng như kinh nghiệm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các quốc gia, ngày 11/11/2022, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo tại thời điểm hiện nay, chưa triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi mà cần tập trung nguồn lực vào các hoạt động nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng đã có hướng dẫn như mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; chưa khuyến cáo tiêm liều nhắc lại lần thứ 3 (mũi 5) vaccine phòng COVID-19 và nhắc lại hàng năm.

Trước đó, ngày 17/4/2023, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: Việc sử dụng vaccine theo khuyến cáo của WHO ngày 30/3/2023 là cần thiết; cần tiếp tục theo dõi, tổng hợp thông tin về tình hình triển khai trên thế giới và việc triển khai tiêm chủng tại Việt Nam để có cơ sở xem xét đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng vaccine trong thời gian tới tại Việt Nam.

Theo kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 của Bộ Y tế, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nước ta sẽ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, chưa khuyến cáo tiêm nhắc lại hàng năm.

Ngày 30/3/2023, WHO đã có khuyến cáo: Đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 được ưu tiên cao là người cao tuổi, người lớn với bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý miễn dịch kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ nữ có thai và cán bộ y tế tuyến đầu.

Đối tượng ưu tiên trung bình là người lớn khỏe mạnh dưới 50 hoặc 60 tuổi không có bệnh nền, trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các bệnh nền. Đối tượng ưu tiên thấp là trẻ em và trẻ vị thành niên từ 6 tháng tới 17 tuổi.

Lộ trình của SAGE và WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh Omicron và khả năng miễn dịch đáng kể trong quần thể cập nhật đến 30/3/2023 cụ thể như sau: Nhóm ưu tiên cao: Tiêm thêm một mũi tiêm nhắc cách mũi tiêm trước 6-12 tháng (bất kể đã tiêm bao nhiêu mũi trước đó). Đối với phụ nữ có thai, việc tiêm vaccine giúp bảo vệ cho thai nhi và trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Nhóm ưu tiên trung bình: Cần tiêm đủ các mũi cơ bản và mũi tiêm nhắc.

Hiện tại, SAGE (Hội đồng chuyên gia tư vấn về chiến lược tiêm chủng của WHO) không khuyến cáo tiếp tục tiêm nhắc cho nhóm này. Nhóm ưu tiên thấp: Các mũi tiêm cơ bản và mũi tiêm nhắc là an toàn và hiệu quả cho nhóm trẻ từ 6 tháng tới 17 tuổi. Các quốc gia nên xem xét kỹ các yếu tố về tình hình dịch tễ, chi phí - hiệu quả và các ưu tiên khác trước khi quyết định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 6 tháng tới 17 tuổi.

Trong bối cảnh hiện tại và tỷ lệ tiêm các vaccine trong tiêm chủng thường xuyên thấp thì tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm từ 6 tháng đến 17 tuổi có hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với việc tập trung cho tăng cường tiêm chủng thường xuyên.

Các quốc gia có thể sử dụng vaccine nhị giá (BA.5 bivalent mRNA) để tiêm các mũi cơ bản cũng như các mũi tiêm nhắc. Chưa có khuyến cáo về tiêm nhắc vaccine COVID-19 hàng năm, kể cả cho nhóm ưu tiên cao./.

Chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan ảnh 2Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam tính đến hết ngày 25/5.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục