Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất vải quả tươi sang Nhật Bản

Các địa phương khi đăng ký mới các vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản phải lưu ý diện tích đăng ký tối thiểu 5ha/vùng mã số; tỷ lệ vải ra hoa tại vùng đăng ký cấp mã số đạt từ 70% trở lên.
Điểm thu mua vải trên đường 390, huyện Thanh Hà (ảnh tư liệu). (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Điểm thu mua vải trên đường 390, huyện Thanh Hà (ảnh tư liệu). (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Nhật Bản đã chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này trong niên vụ 2020 đang là tin mừng cho người trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước.

Ngay sau khi có hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Hải Dương đã khẩn trương hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản trong niên vụ này và các năm tiếp theo. 

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa quả vải xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh là hai địa phương trồng vải trọng điểm của tỉnh thực hiện việc rà soát, đăng ký mới vùng trồng vải xuất khẩu năm 2020.

Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại các vùng đã được cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia và Liên minh châu Âu (EU) trong những năm trước; đồng thời, phối hợp với Chi Cục và Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, rà soát, chuẩn hóa lại những vùng trồng đã có mã số.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, các địa phương khi đăng ký mới các vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản phải lưu ý diện tích đăng ký tối thiểu 5ha/vùng mã số; Tỷ lệ vải ra hoa tại vùng đăng ký cấp mã số đạt từ 70% trở lên; người dân có ý thức chấp hành tốt các quy định của vùng xuất khẩu vải đi Nhật, chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các phòng trồng trọt và cơ quan chuyên môn cấp huyện để kiểm tra, rà soát, tổng hợp thông tin, báo cáo Cục Bảo vệ thực vật và mời chuyên gia xuống các vùng đăng ký để đánh giá, cấp mã số. Dự kiến sẽ hoàn thành việc cấp mã số vùng trồng trong tháng 2/2020.

[Quyết định của Nhật mở ra 'những cánh cửa mới' cho vải thiều Việt Nam]

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật, Chi Cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cũng đã gửi thông báo tới các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sẽ hỗ trợ tối đa cho những doanh nghiệp nào xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản một cách thuận lợi nhất; đồng thời, tổ chức kết nối doanh nghiệp với các vùng trồng, quản lý kiểm dịch thực vật cho vải trước khi xuất khẩu; hỗ trợ giám sát vùng trồng và các điều kiện cần thiết khác cho việc xuất khẩu vải sang Nhật Bản.

Cùng với đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cũng đề nghị các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các vùng trồng tại Hải Dương và nắm được các quy định xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản thông báo địa điểm vùng trồng, diện tích, sản lượng để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, Cục Bảo vệ thực vật và hỗ trợ giám sát  dịch hại, phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các hỗ trợ khác.

Nhận định việc Nhật Bản chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên được xuất khẩu quả vải tươi sang nước này đã mở ra cơ hội mới cho nông sản Hải Dương, đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cho rằng, cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, sự quyết tâm của người nông dân cam kết sản xuất đúng quy trình hướng dẫn khắt khe của cơ quan chuyên môn thì cũng rất cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của các doanh nghiệp. Có như vậy, việc thúc đẩy xuất khẩu quả vải mới thực sự đạt kết quả như mong muốn, khẳng định thương hiệu nông sản Việt với thị trường khó tính.

Hiện Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cho biết, đơn vị này đã liên hệ và kết nối với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tiềm năng. Bước đầu, đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty cổ phần nông sản Hưng Việt (tỉnh Hải Dương), Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Rồng Đỏ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Thành phố Hồ Chí Minh)... rất quan tâm và đang tiến hành nắm bắt nhu cầu thị trường Nhật Bản, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác ở Nhật Bản để chuẩn bị cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu về bảo quản, đóng gói vải xuất khẩu đúng quy định.

Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cũng đang soạn quy trình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tại các huyện và tập huấn cho những hộ nông dân có mã số vùng trồng về việc xuất khẩu vải sang Nhật Bản.

Trong quá trình chăm sóc, sẽ tiến hành giám sát nông dân và đến thời điểm thu hoạch sẽ lấy mẫu tại vườn và tại cơ sở đóng gói để phân tích nhằm kiểm soát các chỉ tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó, cuối tháng 12/2019, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có văn bản gửi các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn về những thông tin yêu cầu đối với quả vải tươi xuất khẩu đi Nhật Bản và đối với vườn trồng hay việc kiểm dịch thực vật đối với quả vải xuất sang Nhật.

Theo đó, vườn trồng vải phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, phải được lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất và được cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số; vườn phải áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp đối với ruồi đục quả phương Đông.

Các vườn phải tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Các cơ sở đóng gói, xông hơi khử trùng quả vải xuất khẩu phải thực hiện theo quy định về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản.

Hiện tỉnh Hải Dương có khoảng 10.000ha vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; trong đó, trên 300ha vải được chứng nhận VietGAP và trên 80% diện tích vải Hải Dương được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 13 vùng trồng với diện tích gần 132ha vải được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu vải đi các thị trường Mỹ, Australia, EU.

Những năm gần đây, có khoảng 10% sản lượng vải đi các thị trường khó tính như Anh, Pháp, Australia, Hàn Quốc và thậm chí đã xuất khẩu vải cấp đông sang thị trường Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục