Sau khi Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nhiều lần kiến nghị Ban bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ thu hồi lại tỷ lệ vốn chi phối tại cảng Quy Nhơn về cho nhà nước quản lý sau khi đã bán hết cho tư nhân, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan thỏa thuận với cổ đông chiến lược của cảng Quy Nhơn về việc thu hồi số vốn điều lệ chi phối về cho nhà nước quản lý.
Ngày 22/8, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì buổi làm việc giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội), chủ sở hữu cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) về việc thỏa thuận thu hồi lại cổ phần chi phối cảng Quy Nhơn cho nhà nước quản lý.
Làm việc giữa các bên, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ phê duyệt; trong đó, có cảng chính bao gồm cảng Quy Nhơn do Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013 phê duyệt đề án này.
Trong giai đoạn Vinalines triển khai Quyết định số 276/QĐ-TTg, lượng hàng thông qua cảng Quy Nhơn liên tục tăng. Điều này đòi hỏi cảng Quy Nhơn phải được đầu tư nâng cấp và mở rộng, trong khi chủ sở hữu là Vinalines lại đang khó khăn về tài chính.
[Vì sao tỉnh Bình Định nhất quyết “đòi” lại Cảng Quy Nhơn]
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã hai lần kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại cảng Quy Nhơn nhằm tạo điều kiện cho việc huy động nguồn vốn, sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn từ năm 2013 trở đi. Kiến nghị đó đã được Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải nêu kể từ khi cổ phần hóa, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá rất cao những lợi ích mang lại từ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn trong việc khai thác hàng hóa qua cảng, gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn đã xảy ra một số tồn tại như Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã tham gia đề xuất cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không đúng chức năng, nhiệm vụ; Bộ Giao thông Vận tải đã có một số văn bản liên quan không đúng thẩm quyền...
Hướng giải quyết được kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ là thu hồi số cổ phần chi phối tại cảng Quy Nhơn mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành về sở hữu nhà nước. Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất các phương thức xử lý để hài hòa lợi ích giữa các bên và tránh rủi ro.
Đại diện Vinalines cho rằng: “Vinalines luôn mong muốn được duy trì tỷ lệ nắm giữ vốn chi phối tại cảng Quy Nhơn, điều này đã được thể hiện tại các văn bản báo cáo chủ sở hữu từ trước và sau cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Định hướng phát triển của Vinalines sau khi cổ phần hóa Công ty mẹ, khu vực Trung trung bộ (khu vực cảng Quy Nhơn) là vị trí quan trọng mà Vinalines có kế hoạch mở rộng cảng biển để kết nối phát triển dịch vụ logistics với khu vực Nam trung bộ. Do vậy, Vinalines rất mong muốn được tiếp tục duy trì vốn góp chi phối tại cảng Quy Nhơn...”
Quan điểm của Công ty Hợp Thành là muốn có sự thống nhất, hài hòa giữa các thành phần cổ đông.
Ngày 11/9 vừa qua, tại cuộc họp giao ban thường kỳ của cảng Quy Nhơn, kế toán trưởng cảng Quy Nhơn, ông Lê Hồng Thái, người đại diện Công ty Hợp Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện các bước đầu tư đối với cảng Quy Nhơn theo như cam kết. Với những gì đã đầu tư và hiệu quả kinh doanh của cảng Quy Nhơn đã có những bước chuyển biến tốt, chúng tôi muốn gắn bó lâu dài với cảng."
Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ phía các cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan về việc xử lý vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của Cảng Quy Nhơn./.