Chưa thể giải bài toán ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp với nhiều dự án quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Chưa thể giải bài toán ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh ảnh 1Ùn tắc trên Quốc lộ 13 hướng về các tỉnh miền Đông. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Việc kẹt xe, ùn tắc giao thông hiện đang là nỗi ám ảnh thường trực của người dân sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp với nhiều dự án quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng tình trạng này vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Vẫn còn nhiều điểm nóng

Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có Công điện yêu cầu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Công điện nêu rõ, ùn tắc giao thông tại hai thành phố nói trên diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ ùn tắc tắc giao thông nghiêm trọng tại một số khu vực, trên một số tuyến đường trục chính, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và môi trường của thành phố.

Nguyên nhân của các vụ ùn tắc tắc giao thông là do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới cá nhân; sự bất cập về năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng.

Đặc biệt là sự gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng ôtô khi trời mưa, sự suy giảm năng lực thông hành của một số tuyến đường do bị úng ngập cục bộ hoặc có các công trình trọng điểm đang thi công..., trong khi không có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông phù hợp.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố vẫn còn 24 điểm nóng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; trong đó đáng lưu ý nhiều điểm nóng vốn dĩ tồn tại lâu nay nhưng vẫn chưa thể giải quyết xong như giao lộ Tôn Đức Thắng-Nguyễn Hữu Cảnh, đường Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Minh Giám, vòng xoay Lăng Cha Cả, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, giao lộ Cộng Hòa-Hoàng Hoa Thám, đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ-Tân Quý), nút giao thông Mỹ Thủy, giao lộ đường Lê Văn Việt-đình Phong Phú, ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Hàng Xanh-đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến ngã năm Đài Liệt Sỹ, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh-Bạch Đằng, ngã sáu Gò Vấp, giao lộ Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Linh, nút giao thông An Phú.

Chưa thể giải bài toán ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh ảnh 2Kẹt xe trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Tính đến ngày 15/7, thành phố đang quản lý hơn 7,2 triệu phương tiện; trong đó hơn 6,5 triệu xe máy. Trung bình mỗi năm lượng xe máy tăng từ 300.000-350.000 chiếc, chưa kể khoảng 1 triệu xe gắn máy vãng lai của các tỉnh lưu thông hàng ngày trên đường thành phố. Trong khi đó, diện tích đường giao thông chỉ tăng 2%; hệ quả kẹt xe, ùn tắc giao thông là điều khó có thể tránh khỏi.

Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư, lắp đặt camera tại 24 điểm đen và kết nối về Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, tổ chức giao thông, lắp đặt bổ sung giải phân cách, cải tạo kích thước hình học, lắp đặt camera quan sát, đèn tín hiệu giao thông tại một số tuyến đường như giao lộ Nguyễn Văn Cừ-Trần Hưng Đạo, đường Hoàng Minh Giám, giao lộ Trường Chinh-Tân Kỳ Tân Quý, các trục đường chính Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Văn Linh, Đồng Văn Cống…

Về lâu dài, thành phố sẽ tập trung đầu tư các nút giao khác mức, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường theo quy hoạch nhằm từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn như xây dựng nút giao khác mức tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Linh, Vòng xoay Mỹ Thủy, hoàn thành đường Hồng Hà-Bạch Đằng, mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Chu Văn An, nâng cấp cầu Ông Dầu, nhánh kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương để vào Đại lộ Võ Văn Kiệt, xây cầu vượt thép ngã 6 Gò Vấp, mở rộng Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Kiến nghị các giải pháp chống ùn tắc giao thông, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, tại các khu vực hay un tắc giao thông nên tăng cường cảnh sát giao thông để điều tiết, phân luồng.

Về giải pháp vĩ mô, ông Bùi Văn Quản cho rằng cần quy hoạch lại hệ thống giao thông thành phố, muốn vậy Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để xem xét, đầu tư đường sá, kết nối các khu đô thị, khu cảng biển, bến bãi.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phải tổ chức lại giao thông ở một số khu vực, tiến hành lắp đặt thêm một số dải phân cách, cải tạo một số nút giao, vỉa hè như tại đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, đường Hoàng Minh Giám, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý… Ngoài ra, cũng cần bố trí lực lượng tham gia điều tiết giao thông trước và trong các giờ cao điểm tại các nút giao trọng điểm.

Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng, cần hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sức chở lớn, rà soát, xây dựng một số hầm chui, cầu vượt, di dời nhiều cảng biển, bến xe ra ngoài trung tâm thành phố…

Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng, thành phố cần điều chỉnh quy hoạch giao thông cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tổ chức khảo sát nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân để đưa ra các phương án, kịch bản phát triển giao thông một cách bền vững. Cùng với đó cần kiên quyết giải tỏa lòng lề đường, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông.

Trong khi đó, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính giai đoạn 2016-2020, thành phố cần khoảng 124.190 tỷ đồng để thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như cầu vượt thép tại nút giao Ngã 6 Gò Vấp, nút giao thông Vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Linh, xây dựng hầm chui tại ngã tư An Sương, nút giao thông An Phú, nút giao Cộng Hòa-Trường Chinh; nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố như Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, đường Tân Kỳ Tân Quý, Xa lộ Hà Nội và triển khai dự án các bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục