Ngày 8/1, cáp quang biển AAG lại gặp sự cố khiến lưu lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus vào buổi tối cùng ngày, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cho biết, vẫn chưa rõ nguyên nhân của sự cố nói trên là đứt cáp hay do nguồn điện.
AAG có chiều dài 20.191km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Trong những năm gần đây, tuyến cáp này liên tục gặp sự cố khiến các doanh nghiệp Việt Nam đã phải tìm nhiều cách để giảm sự ảnh hưởng của AAG tới khách hàng của mình.
Đơn cử như năm 2016, có tổng số 4 lần AAG gián đoạn do sự cố hoặc bảo trì vào các tháng Ba, Sáu, Tám và đầu tháng Chín.
Đại diện của doanh nghiệp nọ cũng chia sẻ, ảnh hưởng từ sự cố của AAG tới Internet Việt Nam đi quốc tế giờ đây sẽ không nghiêm trọng như trước. Bởi lẽ, vào tháng 12/2016, tuyến cáp APG (cáp quang biển châu Á-Thái Bình Dương) có sự tham gia đầu tư của VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom đã được đưa vào khai thác.
APG có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, gấp gần 20 lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG.
Tuyến cáp có chiều dài khoảng 10.400km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam./.