Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề trong tương lai. Đây là vấn đề của hiện tại. Như chúng ta đã thấy trong năm qua, các tác động khí hậu đang gia tăng và lan rộng trên toàn cầu.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) gần đây đã nói rằng chúng ta rất có khả năng sẽ vượt qua ngưỡng nóng lên 1,5 độ C trong vòng vài thập kỷ tới.
Những hứa hẹn yếu ớt
Chúng ta đang ở trong tình huống như hiện nay là bởi hành động khí hậu cho tới nay vẫn chỉ là những hứa hẹn yếu ớt và không được thực hiện đầy đủ. Như "Báo cáo về khoảng cách phát thải 2021: Trái đất đang nóng lên" cho thấy bản cập nhật "Các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris" và các cam kết khác cho đến năm 2030 (nhưng chưa được đưa vào NDC cập nhật) cũng rơi vào cái bẫy tương tự.
Những cam kết này, vốn không bao gồm các cam kết về việc đưa mức phát thải ròng về 0, chỉ giảm 7,5% lượng phát thải được dự đoán vào năm 2030. Nếu các quốc gia chỉ thực hiện các NDC và các cam kết khác một cách vô điều kiện như hiện nay, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng ấm lên toàn cầu khoảng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này. Sự gia tăng như vậy, nói thẳng ra, sẽ là một thảm họa cho nhân loại và nhiều loài khác trên hành tinh này.
Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, chúng ta có 8 năm để giảm lượng phát thải hàng năm thêm 28 gigaton CO2 tương đương (GtC02e - đơn vị đo nồng độ khí nhà kính tính theo giá trị tương đương với nồng độ CO2), cao hơn những gì đã hứa trong NDC được cập nhật và các cam kết khác tới năm 2030.
Hãy xem xét con số này, chỉ riêng lượng khí thải carbon dioxide dự kiến sẽ đạt 33 gigaton vào năm 2021. Khi tính đến tất cả các khí nhà kính khác, lượng phát thải hàng năm là gần 60 GtCO2e. Vì vậy, để có cơ hội đạt mục tiêu 1,5 độ C, chúng ta cần giảm gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đối với mục tiêu 2 độ C, lượng phát thải cần giảm thêm sẽ thấp hơn: lượng khí thải hàng năm chỉ cần giảm 13 GtCO2e đến năm 2030.
[20 quốc gia cam kết chấm dứt tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch]
Rõ ràng, chúng ta không có 8 năm để thực hiện các kế hoạch cắt giảm khí thải. Chúng ta có 8 năm để lập kế hoạch, đưa ra các chính sách, thực hiện chúng và cuối cùng là thực hiện việc cắt giảm phát thải. Chúng ta đang chạy đua với thời gian. Hành tinh của chúng ta, xã hội của chúng ta và nền kinh tế của chúng ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng. "Sức nóng" đang tăng lên tại COP26, vòng đàm phán mới nhất về khí hậu.
Đáng lo ngại là cơ hội sử dụng các khoản chi tiêu để phục hồi sau đại dịch vào mục đích giảm lượng khí thải phần lớn đã bị bỏ lỡ. Chỉ có khoảng 20% chi tiêu để phục hồi sau đại dịch có thể được coi là chi tiêu "xanh." Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển lại bị lại phía sau. Chi tiêu COVID-19 ở các nền kinh tế thu nhập thấp là 60 USD/người, trong khi còn số này ở các nền kinh tế tiên tiến là 11.800 USD.
COP26 cần phải hành động
Khi hơn 30.000 người, trong số đó có 100 nhà lãnh đạo thế giới, đổ về thành phố Glasgow của Scotland để tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), chúng ta mong đợi họ không dựa vào phép màu hay đại dịch để giải quyết vấn đề này.
Trên thực tế, họ cần phải đưa ra một kế hoạch thống nhất và phối hợp để ngăn chặn "cơn đại hồng thủy" biến đổi khí hậu đang gõ cửa của chúng ta và đe dọa gây ra nỗi đau khổ to lớn của con người. Có một số ước tính rằng sự nóng lên toàn cầu có thể cướp đi sinh mạng của 1 tỷ người vào cuối thế kỷ này, đồng thời dẫn đến tình trạng mất sinh kế và buộc hàng triệu người khác phải di cư. Tất cả những điều đó sẽ khiến xã hội và hành tinh của chúng ta thay đổi đến mức khó có thể nhận ra.
Mặc dù rõ ràng là có rất nhiều vấn đề cần phải thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu này, song tất cả những người tham gia lại tìm cách tránh nhấn mạnh những gì mà hiện nay đã trở thành một nhận thức chung của toàn cầu, rằng biến đổi khí hậu là một thực tế không thể chối cãi gây đe dọa tới sự tồn vong và nguyên nhân chính gây ra điều đó là hành vi của con người. Đây là giả định hoàn toàn có cơ sở và trọng tâm phải là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này trong ngắn hạn và đảo ngược nó trong dài hạn.
Mục tiêu đặt ra cho cộng đồng quốc tế rất rõ ràng, đó là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Tuy nhiên, các mục tiêu rõ ràng không nhất thiết có nghĩa là chúng ta có một hướng đi rõ ràng để đạt được mục tiêu đó.
Mặc dù các hội nghị thượng đỉnh về môi trường đã diễn ra trong nửa thế kỷ qua có thể đã nâng cao nhận thức về vấn đề này và cung cấp thêm bằng chứng khoa học không thể chối cãi về nguồn gốc của sự nóng lên toàn cầu và cách đối phó với tình trạng này, song cộng đồng quốc tế vẫn chưa có phản ứng phù hợp.
Và ngay cả vào phút chót như hiện nay, với một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức dưới sự bảo trợ của Vương quốc Anh và Italy, khi chúng ta nhìn chằm chằm vào vực thẳm, không có gì đảm bảo về một kết quả bền vững hay các quốc gia sẽ đưa ra cam kết, ký xác nhận và thực hiện các cam kết đó.
Nếu bạn nghi ngờ về sự bi quan này, hãy nhìn vào hồ sơ của các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong quá khứ, bao gồm cả COP Paris 2015 dẫn đến một hiệp định được coi là chuẩn mực để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đã được 196 bên ký kết. Hết báo cáo này đến báo cáo khác đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng không phải tất cả các quốc gia đều tuân thủ những gì họ đã đồng ý và do đó đang làm ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và hậu quả của tình trạng này.
Giờ đây, báo cáo thường niên của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mang tên “Báo cáo khoảng cách phát thải năm 2021” sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn cầu. Kết quả thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon chưa đủ để ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm.
Mọi con mặt đều đang hướng về Glasgow với đầy lo lắng và kỳ vọng, và họ đang mong đợi các nhà lãnh đạo thế giới vượt lên trên những tính toán chính trị hẹp hòi, những lợi ích và lợi nhuận ngắn hạn, và mở ra một con đường mới hướng đến một nền kinh tế thân thiện với môi trường và một tương lai bền vững. Họ có thể làm được điều này, và chúng ta có nhiệm vụ là thúc đẩy họ về đích.
Vẫn chưa quá muộn
Hãy bắt đầu với việc các quốc gia cần đưa ra các chính sách để đáp ứng các cam kết mới và bắt đầu thực hiện chúng ngay lập tức trong khi họ tìm cách tăng mục tiêu tham vọng của mình tới mức cần thiết. Điều quan trọng là các quốc gia phải xem xét kỹ lưỡng làm thế nào để bắt đầu thực hiện cam kết đưa lượng phát thải ròng về 0 một cách nhanh hơn.
Tổng cộng 49 quốc gia cùng với Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0, đây là những quốc gia chiếm tới hơn 1 nửa lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Nếu được thực hiện một cách hiệu quả, các mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 có thể khiến sự nóng lên toàn cầu giảm thêm 0,5 độ C, đưa mức tăng nhiệt độ được dự đoán giảm xuống còn 2,2 độ C. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có kế hoạch trì hoãn thực hiện các hành động khí hậu để đưa mức phát thải ròng về 0 cho tới sau năm 2030.
Các quốc gia phải đảm bảo các cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 phải được đưa vào NDC và triển khai các hành động cụ thể. Họ phải đưa ra các chính sách mới để hỗ trợ tham vọng này, và một lần nữa, hãy bắt đầu thực hiện các chính sách đó. Điều cần thiết là cung cấp hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các quốc gia đang phát triển để họ có thể thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu đã có và đặt ra một lộ trình để giảm phát thải.
Như Báo cáo khoảng cách phát thải cho thấy nhiều lĩnh vực cụ thể có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Ví dụ, metan có tầm quan trọng đáng kể đối với hành động khí hậu ngắn hạn.
Trong 20 năm, khí metan có khả năng khiến trái đất ấm lên nhiều hơn so với CO2 tới 80 lần, nhưng khí này chỉ tồn tại trong khí quyển 12 năm. Việc cắt giảm khí metan từ các lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp và chất thải sẽ hạn chế tình trạng nhiệt độ tăng lên nhanh hơn nhiều so với việc cắt giảm khí CO2 - và Cam kết cắt giảm khí metan toàn cầu nhằm cắt giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 rất đáng được hoan nghênh.
Trong khi đó, thị trường carbon có thể giúp thúc đẩy các quốc gia hành động, vì vậy, điều quan trọng là các quốc gia phải thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris về việc thiết lập các thị trường hiệu quả và đáng tin cậy nhằm giảm phát thải. Cuối cùng, như các Báo cáo khoảng cách phát thải trước đây của UNEP đã chỉ ra, việc phục hồi hệ sinh thái, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và nhiều hơn thế nữa là rất có tiềm năng.
Rõ ràng, chúng ta có nhiều lựa chọn để đẩy mạnh hành động nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Chúng ta không nên tuyệt vọng. Chúng ta đã chứng minh rằng hành động khí hậu có thể tạo ra sự khác biệt. Các chính sách được áp dụng từ năm 2010 đã làm giảm lượng phát thải được dự đoán vào năm 2030.
Tuy nhiên, chúng ta cần tạo ra sự khác biệt. Chúng ta cần phải cảnh giác với mối nguy hiểm sắp xảy ra với tư cách là một loài sinh sống trên trái đất. Chúng ta cần phải tiến lên một cách vững chắc. Chúng ta cần phải tiến thật nhanh. Và chúng ta cần bắt đầu làm điều đó ngay bây giờ./.