Tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/6, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, qua thông tin từ các địa phương, đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng thương lái nước ngoài thu mua gom nông sản.
Nhấn mạnh thêm, ông Quyền cho hay, gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng có nêu tình trạng thương lái nước ngoài tìm thu mua cam non còn tươi, hoặc đã cắt miếng phơi khô. Thậm chí là hoa Thanh Long, cau non, tiêu... dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự tại địa phương.
Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm tra từ các địa phương trên cho thấy, không có dấu hiệu bất thường nào trong việc thu mua gom nông sản có yếu tố nước ngoài.
Theo ông Quyền, việc cam rụng, tỉa bớt đi là bình thường, hay việc hái trước cau non, hay bán cau già cũng không ảnh hưởng gì lớn đến năng suất cây trồng.
"Các địa phương báo cáo chưa thấy hoặc chưa có hiện tượng thương lái nước ngoài vào các tỉnh thu mua gom nông sản," ông Quyền nhấn mạnh.
Để tránh những thông tin gây bất lợi đến hoạt động thu mua nông sản ở các địa phương, tại buổi giao ban ông Quyền cũng khuyến nghị các địa phương cần xem xét kỹ và thông tin kịp thời việc thương lái nước ngoài vào thu gom không, qua đó đánh giá những tác động và hậu quả.
Ông Quyền khuyến cáo, không để một vài hiện tượng nhỏ lẻ lại gây ra bức xúc cho toàn xã hội. Với những yếu tố bất thường, địa phương cần phải khuyến cáo, tránh điều chỉnh quy hoạch đột ngột để diện tích tăng lên không tiêu thụ được.
Liên quan đến việc tiêu thụ nông sản, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay, với sự phối hợp liên ngành và đồng bộ từ trung ương đến địa phương, hiện đã giải quyết cơ bản vấn đề tiêu thụ tiêu thụ, trong đó mặt hàng dưa hấu không còn hiện tượng ách tắc, còn hành tím Sóc Trăng hiện còn lại trong dân chỉ khoảng 30 tấn nhưng chủ yếu để gối đầu cho vụ tới.
Ông Quyền khẳng định, tín hiệu tiêu thụ vải năm nay rất tốt, kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như xuất khẩu vào các nước lớn như Mỹ.
Cùng với câu chuyện tiêu thụ nông sản, ông Quyền đề nghị Sở Công Thương các tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm cung-cầu ngay từ khi quy hoạch cũng như sản lượng, từ đó để các bộ ngành có chính sách để hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản.
"Chỉ khi nào có doanh nghiệp lớn liên kết với nông dân thì tiêu thụ nông lâm sản mới hiệu quả, còn nếu không thì người dân vẫn sẽ phải loay hoay với bài toán đầu ra này," ông Quyền khuyến cáo.
Tại buổi giao ban, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các địa phương theo dõi quản lý chặt chẽ về hoạt động thu mua của thương lái, đặc biệt nếu có dấu hiệu thương nhân nước ngoài vào địa phương thu gom nông sản, cần phải vào cuộc xử lý.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cho hoạt động tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và Cục Xuất nhập khẩu, căn cứ diễn biến thực tế của từng mặt hàng để đề ra các giải pháp ưu tiên nhằm duy trì thị phần cũng như đảm bảo mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Riêng gạo, cao su, sắn lát… là những mặt hàng có vị trí trọng yếu về xuất khẩu, Thứ trưởng yêu cầu cần có đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường xuất khẩu, qua đó tham mưu và giải quyết vấn đề quy hoạch sản xuất, gắn kết với thị trường.
"Đây là vấn đề sống còn và mang tính dài hạn do vậy phải nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất đến xuất khẩu. Đề ra những giải pháp xuất khẩu trong những tháng cuối năm, tăng cường liên kết tiêu thụ và sản xuất," Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.