Chưa giải quyết dứt điểm vấn nạn chạy chức quyền

Bộ trưởng Nội vụ thẳng thắn thừa nhận vấn nạn chạy chức, chạy quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chiều 18/11, đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội xung quanh các nhóm vấn đề về cải cách hành chính; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; chấn chỉnh lệch lạc trong công tác thi đua, khen thưởng.

Vấn nạn "chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu": Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc

Trước mối quan ngại của các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về hiện tượng “chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu” đang tồn tại trong xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn thẳng thắn thừa nhận vấn nạn chạy chức, chạy quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo Bộ trưởng, giải quyết vấn nạn này là một việc làm rất khó, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, cả bộ máy chính trị. Trong vai trò của mình, Bộ Nội vụ có trách nhiệm chỉ đạo giám sát hoạt động bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ theo đúng các quy trình, quy chế mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, để đảm bảo có được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam có đầy đủ các chế định pháp lý để xử lý các hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”, mọi hành vi “chạy chức, chạy quyền” khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) cho rằng công tác thi tuyển công chức trên thực tế bộc lộ nhiều khiếm khuyết, tính pháp lý không cao khi có nơi thi tuyển, có nơi lại chỉ xét tuyển, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định hoạt động tuyển chọn cán bộ, công chức đã quy định rõ có xét tuyển và thi tuyển. Tại một số địa phương đặc thù, đối với một số đối tượng đã được quy định cụ thể, thì có thể chỉ xét tuyển.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, việc thi tuyển công chức sẽ được tổ chức theo hình thức mang tính cạnh tranh hơn, với những trên tiêu chuẩn định sẵn rõ ràng hơn, để đảm bảo tuyển chọn được những cán bộ có chất lượng hơn.

Cải cách hành chính là khâu đột phá

Trước câu hỏi của đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) về cơ sở khoa học cho chỉ tiêu tới năm 2010 sẽ cắt giảm 30% thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, quyết định của Chính phủ được đưa ra sau khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến báo cáo của một số bộ ngành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trên thực tế, các bộ, ngành, địa phương sẽ cân đối hợp lý để tránh cắt giảm các thủ tục hành chính đảm bảo tốt hoạt động quản lý nhà nước và giảm những thủ tục phiên hà cho người dân, doanh nghiệp.

Việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính không có nghĩa là thuần tuý giảm 30% số lượng văn bản mà là nhằm tới việc cắt giảm các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp.

Về lý do lựa chọn giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính làm khâu đột phá cải cách thủ tục hành chính mà không chọn khâu đội ngũ bộ máy hành chính, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn giải thích hoạt động cắt giảm thủ tục hành chính không chỉ là cần thiết từ nhu cầu nội bộ mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập của hoạt động hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế, xã hội. Đây là quyết định được Chính phủ đưa ra sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng của tập thể.

Bổ sung ý kiến của Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, nếu cắt giảm được 30% thủ tục hành chính sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của nhân dân, doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho xã hội, tương đương tiết kiệm được 15.000 tỷ đồng.

Trước câu hỏi của đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) về hiệu quả và tính pháp lý của việc bố trí cán bộ làm việc ngày thứ 7, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đưa ra quyết định này là nhằm các cơ quan nhà nước tạo những điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hiện các quyền lợi của mình.

Làm rõ thêm chất vấn của đại biểu Đặng Văn Khanh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định làm thêm ngày thứ 7 không vi phạm Luật, vấn đề là khi có nhu cầu phải giải quyết thủ tục hành chính vào ngày thứ 7 thì cơ quan có thể sắp xếp hoặc cho hưởng phụ cấp ngoài giờ, hoặc cho nghỉ bù vào thời gian khác.

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách đối với cán bộ cơ sở, ngành nghề đặc thù

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) xung quanh vấn đề phân quyền cho các địa phương, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định việc tăng quyền ở cơ sở dẫn đến tăng khối lượng công việc, nên Bộ đã nghiên cứu tăng biên chế cho các cơ sở, nhưng theo nguyên tắc theo lộ trình, tăng có mức độ, đủ để đáp ứng công việc.

Về vấn đề một tổ chức quản lý nhà nước quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, cho đến nay, cơ bản bộ máy đa ngành, đa lĩnh vực đã thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thực hiện quản lý nhà nước tốt hơn. Trong trường hợp cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước về dân tộc và tôn giáo ở cấp huyện thì hiện nay, bộ phận tôn giáo trực thuộc bộ phận nội vụ, công tác dân tộc chuyển về văn phòng Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân.

Trong thực tế, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc tại một số nơi chưa thực sự tốt. Vì thế, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực này tại cấp huyện được xây dựng theo hướng: nơi nào có trên 50% dân số là người dân tộc được lập phòng dân tộc riêng, nơi nào có tỷ lệ người dân tộc ít hơn thì vẫn để thuộc văn phòng Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân như hiện nay, nhưng phân công cán bộ chuyên trách.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về chế độ tiền lương còn chưa hợp lý của cán bộ ngành y, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở xã phường.

Theo Bộ trưởng, để khắc phục những vấn đề này, cần có lộ trình cụ thể sau khi nghiên cứu và bàn bạc với các Bộ, ngành hữu quan, để tránh tình trạng điều chỉnh mức lương ở nơi này sẽ ảnh hưởng, kéo theo sự điều chỉnh ở nơi khác. Riêng chính sách đãi ngộ đối với các cán bộ cấp xã, phường, thị trấn, Chính phủ đã ra Nghị định 92, ngày 22/10/2009 quy định cụ thể về chức danh, số lượng, chính sách đãi ngộ đối với các cán bộ xã, phường, thị trấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục