Chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế nhà đất

Đa số ý kiến tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế thời điểm này.
Đa số ý kiến tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 18/12, đều cho rằng chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế thời điểm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nêu vấn đề thu thuế nhà thực chất là thu thuế tài sản. Trong điều kiện mức thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp như hiện nay thì chưa nên đặt ra việc thu thuế nhà.

Ông Thuận cho rằng, vấn đề này cần bàn thêm và phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân vì loại thuế này liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay. Người dân hiện đã phải chịu nhiều loại thuế khác nhau. Trong trường hợp vẫn quy định thu thuế đối với nhà ở thì nên chọn phương án chỉ thu thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi với mức thuế suất áp dụng chỉ là 0,03%, bởi phương án này có nhiều điểm thuận lợi hơn khi triển khai.

Tổng hợp lại những ý kiến còn khác nhau liên quan đến Luật Thuế nhà, đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận đa số các Ủy viên Thường vụ Quốc hội chưa tán thành việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Việc này cũng chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân và Quốc hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc thu thuế đối với đất nhưng cần phải tính toán thêm sao cho mức thuế hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng đối với những loại đất sử dụng sai mục đích, không nên quy định trong đạo luật này mà cần có các biện pháp xử lý kiên quyết, đúng trình tự pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự án Luật; mở rộng đối tượng đóng góp ý kiến, nhất là những người có trọng trách trong thôn, xóm để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Cũng trong sáng 18/12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật nuôi con nuôi.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết việc quy định độ tuổi được nhận làm con nuôi theo dự thảo (dưới 16 tuổi) là phù hợp với những quy định của pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đồng tình với quan điểm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức phí, lệ phí giải quyết việc nuôi con nuôi ở mức hợp lý, đảm bảo mục đích nhân đạo của việc nuôi, nhận con nuôi; phù hợp với Công ước La Haye về bảo vệ trẻ em trong việc nuôi và nhận con nuôi.

Góp ý về dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết thủ tục nuôi, nhận con nuôi; quy định rõ ràng, minh bạch trong các mức phí, lệ phí nhằm tránh việc lợi dụng, cố ý làm trái có thể xảy ra.

Theo dự kiến chương trình phiên họp, chiều 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục