Chùa Đọi Sơn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có tên chữ là Diên Linh tự, do Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng vào năm 1054.
Chùa Đọi Sơn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ảnh 1Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Duy Tiên và sư trụ trì Chùa Đọi Sơn. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Ngày 3/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và khai hội chùa Đọi Sơn năm 2018.

Chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có tên chữ là Diên Linh tự.

Chùa do Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng vào năm 1054. Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121.

Chùa Long Đọi Sơn được xây dựng trên đỉnh núi, trong khuôn viên 2 ha vườn rừng. Đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm lược Việt Nam, chùa và tháp đã bị phá hủy hoàn toàn.

Dưới thời Hậu Lê, Mạc, Nguyễn, chùa được xây dựng và tu tạo liên tục dần dân khôi phục được kiến trúc.

[Quyết định của Thủ tướng về xếp hạng 10 di tích quốc gia đặc biệt]

Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức hằng năm vào ngày 21 tháng 3 âm lịch và đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân xã Đọi Sơn nói riêng, huyện Duy Tiên nói chung.

Với những giá trị lịch sử văn hóa và vẻ đẹp vừa uy nghi, cổ kính, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2028/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tuyên tỉnh Hà Nam là Di tích quốc gia đặc biệt

Tại buổi lễ, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Hà Nam triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài.

Ban Quản lý Di tích triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý bảo vệ kiến trúc và các hiện vật an toàn tuyệt đối; tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích; xây dựng kế hoạch tu bổ tôn tạo các hạng mục di tích hiệu quả nhất; duy trì nghi thức, nghi lễ lễ hội truyền thống và không gian văn hóa liên quan đến di tích...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý tỉnh Hà Nam cần phát huy giá trị của các lễ hội tiêu biểu của địa phương gắn với tham quan du lịch, kết nối, tạo nên các tour du lịch nhằm phát triển kinh tế du lịch trong vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục