Cứ vào mồng 8, 9, 10 tháng Giêng âm lịch, tại chùa Đậu (làng Gia Phúc, Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội) tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo khách thập phương tham dự.
Ngoài nét cổ kính vốn có, chùa Đậu còn thu hút du khách, phật tử tìm đến bởi hai pho tượng táng độc đáo của chú cháu thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
Ban tổ chức lễ hội có lẽ cần quyết liệt hơn nữa để chùa Đậu trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Độc đáo cổ tự
Ông Trần Văn Ngạn, một người dân của làng Gia Phúc đã ngoại thất thập, kể rằng, chùa Đậu thờ nữ thần Pháp Vũ. Trải qua nhiều thăng trầm, chùa còn giữ được khuôn viên rộng hơn 4.000m2 với những mái chùa cổ kính, sách đồng, quả chuông đúc năm 1801 (thời Tây Sơn), khánh đồng đúc năm 1774, nhiều bia đá có niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18…
Điều gây tò mò nhất ở chùa Đậu chính là 2 pho tượng chú cháu nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Tích xưa truyền rằng, hai vị sư sống tại chùa Đậu vào khoảng thế kỷ 17. Khi đã thấy mình có thể đạt tới “cảnh giới,” hai người mang theo một chum nước uống, chum đựng dầu thắp rồi vào trong am để tụng kinh, niệm Phật.
Trước khi nhập am, hai vị thiền sư dặn các đệ tử rằng: Sau đúng 100 ngày, nếu không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa thì mở cửa am ra. Nếu thi thể còn nguyên vẹn, thì lấy sơn bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am lại.
Đúng 100 ngày sau, không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa, các đệ tử mở cửa am ra thì thấy hai nhà sư vẫn ngồi thiền nhưng đã “tịch” và không bốc mùi hôi thối... Họ bèn làm đúng theo lời dặn, dùng sơn ta bả lên người.
Đến nay, bằng các phương pháp khoa học, các nhà khảo cổ đã xác định đây là một cách ướp xác độc đáo, chưa giải thích nổi. Điều này càng làm người dân tin rằng hai thiền sư đã "đắc đạo" thành Phật, và ngôi chùa càng trở lên linh thiêng. Hàng năm, họ đều đến cúng bái và mong cầu được bình an.
Cần một không gian lễ hội rộng hơn
Lễ hội chùa Đậu diễn ra vào ngày 8, 9 và 10 tháng Giêng âm lịch, nhưng từ ngày mùng 2 Tết đã có rất nhiều phật tử đến lễ chùa. Ngày khai hội (8 tháng Giêng), phóng viên Vietnam+, hòa theo dòng người, tìm đến ngôi chùa cổ kính nằm bên bờ sông Nhuệ này.
Ông Dương Thanh Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nguyễn Trãi (Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Đậu) cho hay, năm trước, 3 ngày hội đã đón tiếp trên 50.000 lượt người tham gia lễ chùa, chơi hội. Thông thường, khách thập phương đến với chùa Đậu nhiều nhất từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.
Theo quy luật hằng năm, số lượng du khách năm nay sẽ còn tăng lên nhiều.
Nhiều người đến với cảnh chùa, mong sự thanh tịnh để thành tâm khấn phật. Song, vài năm gần đây có hiện tượng các hàng quán mở ra, “bao vây” khuôn viên chùa Đậu. Điều này đã khiến các phật tử, du khách hành hương không thể vui vẻ thưởng ngoạn…
Bà Nguyễn Thị Minh, một phật tử ở phố Trương Định (Hà Nội) phàn nàn: “Đáng lẽ nên có khu chợ riêng biệt, chứ cạnh chùa mà người ăn nhồm nhoàm, người lễ phật thì thật… không có không khí.”
Theo quan sát, đa phần các thực khách là thanh niên và trẻ em đi trảy hội. Tiện thể, họ ghé vào ăn cá chỉ vàng, cá mực nướng hoặc các hàng bún, phở…
Ngoài ra, bên cạnh các trò chơi truyền thống như cờ người… các trò chơi theo kiểu “vui chơi có thưởng” cũng được mở ra và lại… thu dọn khi có lực lượng công an kiểm tra.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây Ban tổ chức lễ hội chùa Đậu đã có rất nhiều cố gắng trong việc dẹp bỏ những tệ nạn cờ bạc trá hình như cua bầu, cờ thế… Tuy nhiên, năm nay lại “nở” ra trò “chiếc nón kỳ diệu” quay trúng thưởng gấp 5 hoặc 20 lần số tiền đặt cược.
Ông Tĩnh cho hay, đã huy động lực lượng an ninh, công an kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn cờ bạc trá hình này. Trong nhiều năm gần đây, ở lễ hội chùa Đậu không còn hiện tượng ăn xin bám lấy du khách.
Về việc các quán ăn xung quanh chùa, ông Tĩnh cho biết xưa kia, chùa Đậu cũng có chợ. Tuy nhiên, chợ ngày xưa chủ yếu phục vụ đồ lễ chứ không bán đồ ăn như bây giờ. “Chúng tôi cũng kiên quyết không để bán hàng trong nội tự, gây mất vệ sinh môi trường,” ông nói.
Tuy nhiên, ngay kể cả việc bán hàng bên ngoài, nhiều đến mức “bao vây” cả chùa cũng không khỏi làm hoen ố cảnh thiền môn. Do đó, nhiều du khách cho rằng, Ban tổ chức cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để việc bán hàng được đi vào quy củ. Các hàng ăn, quán xá được bày bán một khu vực xa hơn, để trả lại một không gian văn hóa lễ hội rộng lớn hơn cho chùa Đậu. Có như vậy mới mong nơi đây sẽ là một điểm đến lễ hội độc đáo, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước./.
Ngoài nét cổ kính vốn có, chùa Đậu còn thu hút du khách, phật tử tìm đến bởi hai pho tượng táng độc đáo của chú cháu thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
Ban tổ chức lễ hội có lẽ cần quyết liệt hơn nữa để chùa Đậu trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Độc đáo cổ tự
Ông Trần Văn Ngạn, một người dân của làng Gia Phúc đã ngoại thất thập, kể rằng, chùa Đậu thờ nữ thần Pháp Vũ. Trải qua nhiều thăng trầm, chùa còn giữ được khuôn viên rộng hơn 4.000m2 với những mái chùa cổ kính, sách đồng, quả chuông đúc năm 1801 (thời Tây Sơn), khánh đồng đúc năm 1774, nhiều bia đá có niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18…
Điều gây tò mò nhất ở chùa Đậu chính là 2 pho tượng chú cháu nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Tích xưa truyền rằng, hai vị sư sống tại chùa Đậu vào khoảng thế kỷ 17. Khi đã thấy mình có thể đạt tới “cảnh giới,” hai người mang theo một chum nước uống, chum đựng dầu thắp rồi vào trong am để tụng kinh, niệm Phật.
Trước khi nhập am, hai vị thiền sư dặn các đệ tử rằng: Sau đúng 100 ngày, nếu không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa thì mở cửa am ra. Nếu thi thể còn nguyên vẹn, thì lấy sơn bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am lại.
Đúng 100 ngày sau, không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa, các đệ tử mở cửa am ra thì thấy hai nhà sư vẫn ngồi thiền nhưng đã “tịch” và không bốc mùi hôi thối... Họ bèn làm đúng theo lời dặn, dùng sơn ta bả lên người.
Đến nay, bằng các phương pháp khoa học, các nhà khảo cổ đã xác định đây là một cách ướp xác độc đáo, chưa giải thích nổi. Điều này càng làm người dân tin rằng hai thiền sư đã "đắc đạo" thành Phật, và ngôi chùa càng trở lên linh thiêng. Hàng năm, họ đều đến cúng bái và mong cầu được bình an.
Cần một không gian lễ hội rộng hơn
Lễ hội chùa Đậu diễn ra vào ngày 8, 9 và 10 tháng Giêng âm lịch, nhưng từ ngày mùng 2 Tết đã có rất nhiều phật tử đến lễ chùa. Ngày khai hội (8 tháng Giêng), phóng viên Vietnam+, hòa theo dòng người, tìm đến ngôi chùa cổ kính nằm bên bờ sông Nhuệ này.
Ông Dương Thanh Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nguyễn Trãi (Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Đậu) cho hay, năm trước, 3 ngày hội đã đón tiếp trên 50.000 lượt người tham gia lễ chùa, chơi hội. Thông thường, khách thập phương đến với chùa Đậu nhiều nhất từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.
Theo quy luật hằng năm, số lượng du khách năm nay sẽ còn tăng lên nhiều.
Nhiều người đến với cảnh chùa, mong sự thanh tịnh để thành tâm khấn phật. Song, vài năm gần đây có hiện tượng các hàng quán mở ra, “bao vây” khuôn viên chùa Đậu. Điều này đã khiến các phật tử, du khách hành hương không thể vui vẻ thưởng ngoạn…
Bà Nguyễn Thị Minh, một phật tử ở phố Trương Định (Hà Nội) phàn nàn: “Đáng lẽ nên có khu chợ riêng biệt, chứ cạnh chùa mà người ăn nhồm nhoàm, người lễ phật thì thật… không có không khí.”
Theo quan sát, đa phần các thực khách là thanh niên và trẻ em đi trảy hội. Tiện thể, họ ghé vào ăn cá chỉ vàng, cá mực nướng hoặc các hàng bún, phở…
Ngoài ra, bên cạnh các trò chơi truyền thống như cờ người… các trò chơi theo kiểu “vui chơi có thưởng” cũng được mở ra và lại… thu dọn khi có lực lượng công an kiểm tra.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây Ban tổ chức lễ hội chùa Đậu đã có rất nhiều cố gắng trong việc dẹp bỏ những tệ nạn cờ bạc trá hình như cua bầu, cờ thế… Tuy nhiên, năm nay lại “nở” ra trò “chiếc nón kỳ diệu” quay trúng thưởng gấp 5 hoặc 20 lần số tiền đặt cược.
Ông Tĩnh cho hay, đã huy động lực lượng an ninh, công an kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn cờ bạc trá hình này. Trong nhiều năm gần đây, ở lễ hội chùa Đậu không còn hiện tượng ăn xin bám lấy du khách.
Về việc các quán ăn xung quanh chùa, ông Tĩnh cho biết xưa kia, chùa Đậu cũng có chợ. Tuy nhiên, chợ ngày xưa chủ yếu phục vụ đồ lễ chứ không bán đồ ăn như bây giờ. “Chúng tôi cũng kiên quyết không để bán hàng trong nội tự, gây mất vệ sinh môi trường,” ông nói.
Tuy nhiên, ngay kể cả việc bán hàng bên ngoài, nhiều đến mức “bao vây” cả chùa cũng không khỏi làm hoen ố cảnh thiền môn. Do đó, nhiều du khách cho rằng, Ban tổ chức cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để việc bán hàng được đi vào quy củ. Các hàng ăn, quán xá được bày bán một khu vực xa hơn, để trả lại một không gian văn hóa lễ hội rộng lớn hơn cho chùa Đậu. Có như vậy mới mong nơi đây sẽ là một điểm đến lễ hội độc đáo, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước./.
Trung Hiền (Vietnam+)