Chưa có thông tin nào về số phận con tin Nhật Bản Kenji Goto

Nhật Bản và Jordan vẫn chờ đợi trong lo âu về số phận của hai người đàn ông được cho là đang bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt giữ.
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp về con tin Kenji Goto tại văn phòng ở Tokyo ngày 29/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật Bản và Jordan vẫn chờ đợi trong lo âu về số phận của hai người đàn ông được cho là đang bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt giữ trong khi tổ chức cực đoan này vẫn im lặng sau khi thời hạn trao đổi tử tù lấy con tin đã hết hạn hơn một ngày.

Trong khi Nhật Bản đang phân tích thông tin và tìm kiếm sự hợp tác của Jordan, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tại một phiên họp quốc hội rằng Tokyo “đang nỗ lực bằng mọi cách để ông Kenji Goto được phóng thích.”

Ông Goto, 47 tuổi, là phóng viên tự do bị IS bắt giữ hồi năm 2014.

Người thân của Goto và một con tin khác là phi công của Jordan cầu xin giữ mạng sống cho các con tin giữa lúc không có tiến triển cụ thể nào từ nỗ lực giải cứu.

Trong tuyên bố công khai đầu tiên, vợ của Goto, Rinko, cầu xin Chính phủ Nhật Bản và Jordan “thấu hiểu rằng số phận của hai người này đang ở trong tay họ,” ám chỉ chồng và ông Muath al-Kasaesbeh, trung úy phi công người Jordan cũng bị các tay súng Hồi giáo cực đoan bắt giữ hồi năm 2014.

Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã không bàn thêm về chi tiết các cuộc thảo luận với Chính phủ Jordan tại cả hai phiên họp báo vì lý do nhạy cảm.

Ông Suga cho biết từ khi vụ việc xảy ra, Tokyo “đã nỗ lực hết sức để hợp tác chặt chẽ với Jordan và các quốc gia liên quan khác.” Ông khẳng định chủ trương này sẽ không thay đổi. Nhật Bản và Jordan luôn giữ liên hệ chặt chẽ trên cơ sở mối quan hệ tin cậy.

Ông Yasuhide Nakayama, nhân vật thư hai trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản hiện đang ở Amman để chỉ đạo nhóm công tác giải quyết cuộc khủng hoảng con tin.

Tuyên bố của vợ phóng viên Goto diễn ra sau khi một đoạn video kèm thông điệp bằng âm thanh mới nhất được đăng tải trên mạng Internet hôm 29/1 khẳng định lời đe doạ cuối cùng về số phận của trung úy phi công Jordan.

Trong thông điệp trên, một người đàn ông tự nhận là Goto nhắc lại yêu cầu của những kẻ bắt cóc rằng: “Nếu Sajida al-Rishawi chưa được sẵn sàng để đổi lấy mạng sống của tôi tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc mặt trời lặn ngày 29/1, giờ Mosul, thì phi công người Jordan Muath al-Kasaesbeh sẽ bị giết ngay lập tức.”

Al-Rishawi bị kết án tử hình ở Jordan do dính líu đến các vụ tấn công khủng bố vào một đám cưới ở Amman hồi năm 2005 làm khoảng 60 người thiệt mạng.

Tổ chức các nhà tự do có trụ sở ở Anh Rory Peck Trust dẫn lời vợ phóng viên Kenji Goto ngày 29/1 cho biết: “Tôi sợ đây là cơ hội cuối cùng cho chồng tôi và chúng tôi giờ đây chỉ chỉ còn vài giờ để chồng tôi được phóng thích và giữ mạng sống cho trung úy Muath al-Kaseasbeh.”

Tại cuộc họp báo ở Amman, ông Safi, 67 tuổi, bố của phi công al-Kaseasbeh kêu gọi tổ chức IS trả tự do cho con trai ông.

Những kẻ bắt cóc dọa sẽ giết cả phóng viên Nhật Bản và phi công người Jordan. Một thời hạn kéo dài 24 tiếng ban đầu được nhóm bắt cóc đưa ra kết thúc vào ngày 28/1 đòi thả al-Rishawi để đổi lấy Goto. Jordan ngày 28/1 đã bật đành xanh cho cuộc trao đổi một tử tù người Iraq lấy phi công.

Tuy nhiên, thỏa thuận này dường như đã bất thành trong khi các tay súng cực đoan không đưa ra bằng chứng nào cho thấy trung úy phi công còn sống trước khi trao đổi bất chấp việc Jordan liên tục đưa ra yêu cầu tương tự. Ngày 29/1, Người phát ngôn Chính phủ Jordan Mohammad al-Momani phát biểu tại Amman rằng al-Rishawi hiện vẫn ở Jordan.

Jordan cho biết nước này ưu tiên phóng thích phi công, bị bắt giữ từ tháng 12/2014 nhưng cũng khẳng định Goto là một phần của cuộc đàm phán với các phiến quân.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản không tiết lộ lập trường của Tokyo khi được hỏi về dấu hiệu của Amman cho thấy cuộc trao đổi vẫn được giữ kín cho đến khi sự an toàn của viên phi công vẫn được đảm bảo.

Cuộc khủng hoảng con tin thu hút sự chú ý của quốc tế sau khi đoạn video đăng tải ngày 20/1 cho thấy ông Haruna Yukawa, 42 tuổi, và Goto đang quỳ trước khi một người đàn ông cầm dao đe dọa giết họ nếu Nhật Bản không trả 200 triệu USD trong vòng 72 giờ.

Một đoạn clip thứ hai cho thấy Goto cầm bức ảnh con tin Yukawa đã bị hành quyết.

Cuộc khủng hoảng con tin xảy ra đúng thời điểm Thủ tướng Abe kêu gọi nâng cao vị thế của Nhật Bản ở nước ngoài bằng cách đóng góp tích cực hơn cho hòa bình trên toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục