Chưa có bằng chứng phân biệt chủng tộc là động cơ vụ xả súng ở Ohio

Cảnh sát trưởng Dayton khẳng định các điều tra viên tiến hành thu thập thông tin liên quan nghi phạm và đi đến kết luận rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy phân biệt chủng tộc là động cơ gây án.
Chưa có bằng chứng phân biệt chủng tộc là động cơ vụ xả súng ở Ohio ảnh 1Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng ở Dayton, bang Ohio sáng 4/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy vụ xả súng dịp cuối tuần qua tại thành phố Dayton, thuộc bang Ohio, xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 5/8, Cảnh sát trưởng thành phố Dayton - ông Richard Biehl khẳng định các điều tra viên đã tiến hành thu thập thông tin liên quan nghi phạm, tiến hành tổng hợp - phân tích và đi đến kết luận rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy phân biệt chủng tộc là động cơ gây án.

Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng hiện còn còn quá sớm để loại trừ hoàn toàn động cơ này trong vụ tấn công lúc rạng sáng 4/8 vừa qua khi có tới 6 trong số 9 nạn nhân thiệt mạng là người da màu.

Ngoài ra, còn 30 người khác bị thương trong vụ tấn công.

Theo Cảnh sát trưởng Biehl, các kết quả điều tra về vũ khí của hung thủ Connor Betts - bị cảnh sát bắn hạ ngay tại hiện trường khoảng 30 giây sau khi y nổ súng - cho thấy tên này có thể bắn tới 250 viên đạn trong chưa đầy 1 phút. Trong số các nạn nhân có cả chị gái của tay súng da trắng 24 tuổi này.

Vụ xả súng ở Ohio xảy ra chỉ 13 giờ sau khi một đối tượng khác nã đạn vào đám đông trong một siêu thị Walmart đông khách ở thành phố El Paso, bang Texas, sáng 3/8 vừa qua khiến 22 người thiệt mạng và hơn 24 người bị thương.

Trước khi gây án, hung thủ - được xác định danh tính là Patrick Crusius, một thanh niên da trắng 21 tuổi - đã đăng lên mạng các ý kiến chống người nhập cư.

Vụ xả súng ở El Paso là vụ gây thương vong nhiều thứ 7 trong lịch sử hiện đại Mỹ. Patrick Crusius hiện đã bị bắt giữ, bị buộc tội giết người và có thể phải đối mặt với án tử hình. Bộ Ngoại giao Mexico chỉ trích vụ xả súng là một "hành động khủng bố," đồng thời cho biết nước này có thể xem xét yêu cầu dẫn độ đối với Patrick Crusius.

Trong số các nạn nhân thiệt mạng đã được xác định danh tính có 7 người Mexico, 13 người Mỹ và 1 người Đức.

Trong các phản ứng trước loạt vụ xả súng đẫm máu dịp cuối tuần vừa qua, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5/8 cho rằng các nhà lãnh đạo nước này đang cổ xúy "bầu không khí sợ hãi" thông qua những lời chia sẻ của họ về hai vụ việc.

Trong một phát biểu hiếm hoi, ông Obama cho rằng các lãnh đạo cần tránh "phỉ báng những người không giống chúng ta, hoặc gợi ý rằng những người khác - trong đó bao gồm người nhập cư - đang đe dọa lối sống của chúng ta, hoặc coi người khác là người hạ đẳng, hoặc ám chỉ rằng người Mỹ chỉ thuộc về một tuýp nhất định."

Tuy cựu Tổng thống Obama không nêu đích danh nhà lãnh đạo mà ông muốn "gửi gắm thông điệp," nhưng những tuyên bố của ông khiến dư luận nghĩ tới Tổng thống Donald Trump - người đang bị cáo buộc đã châm ngòi cho cuộc chiến chống người nhập cư thông qua những chính sách cứng rắn.

Theo Tổng thống Trump, hai vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ vừa qua là là tội ác "chống lại toàn nhân loại." Theo kế hoạch, ngày 6/8, ông sẽ đến thành phố El Paso./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục