Chưa “chốt” thời gian hoàn vốn hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Phước Tượng-Phú Gia BOT khẳng định, tất cả các phương án tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là tạm tính, không phải là cơ sở để “chốt” thời gian thu phí hoàn vốn.
Chưa “chốt” thời gian hoàn vốn hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Liên quan đến kiến nghị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra các bất cập trong phương án tài chính tại dự án đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (Quốc lộ 1, tỉnh Thừa Thiên Huế) theo hình thức BOT, ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phước Tượng-Phú Gia BOT khẳng định, tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là tạm tính, không phải là cơ sở để “chốt” thời gian thu phí. Không có chuyện nhà đầu tư được hưởng chênh lệch doanh thu và phương án tài chính hoàn vốn.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, đến ngày 31/12/2015, khi công trình đã được đưa vào khai thác, vốn huy động thực hiện dự án chỉ đạt 77,6%; vốn chủ sở hữu đạt 71% đã dẫn đến nợ chi phí xây dựng đối với các nhà thầu, ông Hưng cho rằng, dự án này nhà đầu tư được góp vốn đối ứng theo tiến độ thi công và đảm bảo tỷ lệ giải ngân với ngân hàng cho nhà thầu thi công.

“Thời điểm kiểm toán dự án cuối năm 2015 thì công trình vẫn đang thi công nốt các hạng mục cuối. Nhà thầu chưa thể hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán (nhanh nhất cũng phải tới 3 tháng). Nếu làm xong, ngân hàng giải ngân thì nhà đầu tư sẽ góp thêm vốn để chi trả nhà thầu,” ông Hưng cho hay.

Nhấn mạnh đến việc nhà đầu tư đã giải thích về kết quả này đối với Kiểm toán Nhà nước và ngay trong hợp đồng BOT cũng quy định việc góp vốn theo tiến độ, ông Hưng bày tỏ quan điểm, chính kết quả kiểm toán cũng ghi nhận tình hình nhà đầu tư đã góp được 77% vốn. Hơn nữa, tổng mức đầu tư dự kiến sẽ giảm (từ 1.743 tỷ đồng xuống còn khoảng 1.400 tỷ đồng) cũng dẫn đến tiến độ góp vốn của nhà đầu tư sẽ khác.

Bên cạnh đó, theo ông Hưng, dự án dù được khởi công từ tháng 5/2013 nhưng đã chậm triển khai tới một năm bởi làm hầm không giống như thi công đường vì vướng nhiều thủ tục. Đơn cử như thủ tục xin cấp phép nổ mìn phải qua năm Bộ và một tỉnh sở tại đã mất tới tám tháng, hay việc đảm bảo an toàn đường sắt mất tới ba tháng.

Đối với việc xác định số liệu đếm xe lưu thông qua tuyến và doanh thu để từ đó tính toán thời gian thu phí (18 năm 7 tháng) tại dự án này được Kiểm toán Nhà nước cho là chưa chính xác, vị Tổng giám đốc này phản biện: theo quy hoạch phê duyệt, tuyến đường cao tốc La Sơn-Túy Loan chạy song song với dự án hầm Phước Tượng-Phú Gia sẽ hoàn thành vào năm 2016 và lượng xe đi trên tuyến cao tốc này chiếm tới 60%, số còn lại thì đi qua hầm và phía Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI). Do đó, tính toán dựa trên lưu lượng xe mới ra được thời gian thu phí hoàn vốn.

Tuy nhiên, do không có vốn đầu tư, tuyến đường cao tốc La Sơn-Túy Loan được điều chỉnh xuống đường 2 làn, tốc độ 60km/giờ và dự kiến phải đến hết 2019 mới làm xong.

“Nếu tuyến đường La Sơn-Túy Loan có sớm thì hầm Phước Tượng-Phú Gia bị mất lưu lượng, nhưng do tiến độ chậm thì dự án sẽ có lợi là tăng lượng xe và doanh thu, sẽ giảm được thời gian thu phí. Nhà đầu tư không thể kéo dài thời gian thu phí, lưu lượng xe thực tế bao nhiêu sẽ suy ra dòng tiền để từ đó thời gian thu phí ngắn đi vì hoàn vốn nhanh,” ông Hưng khẳng định.

Trả lời câu hỏi nhà đầu tư được hưởng chênh lệch doanh thu thực tế lớn hơn nhiều so với doanh thu tại phương án tài chính đã được chốt trong hợp đồng BOT, ông Hưng cũng quả quyết rằng, tất cả các phương án tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là tạm tính, không phải là cơ sở để “chốt” thời gian thu phí.

“Khi trạm thu phí chính thức thu, Bộ Giao thông Vận tải quy định, sau sáu tháng nhà đầu tư phải hoàn thành công tác quyết toán. Lúc đó, sẽ đưa ra con số cuối cùng về thời gian thu phí hoàn vốn,” lãnh đạo Công ty Cổ phần Phước Tượng-Phú Gia BOT nhấn mạnh.

Đề cập đến việc việc trạm thu phí hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia được đặt ở vị trí phía Bắc hầm Hải Vân không hợp lý dẫn đến thực trạng dân không đi qua dự án nhưng vẫn phải trả phí, ở góc độ chủ đầu tư, ông Hưng bày tỏ quan điểm, việc đầu tư xây dựng công trình là nhằm mục đích để người dân, doanh nghiệp có đường tốt để đi, giảm tai nạn giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

“Vị trí đặt trạm thu phí tại phía Bắc hầm Hải Vân nếu trong đúng hợp đồng ngày trước chưa đề cập mà chỉ là được xây dựng, đặt trong phạm vi dự án. Công ty làm nhiều văn bản đề nghị tỉnh, các Bộ ngành khảo sát, phê duyệt vị trí và sau đó Thủ tướng và các Bộ, Ban nghành đồng ý lấy địa điểm phía Bắc hầm Hải Vân để đặt trạm phí hoàn vốn. Hơn nữa, trạm phí này đặt ở cự ly điểm cuối cùng của tỉnh Thừa Thiên Huế và không còn bất cứ vị trí nào để đảm bảo đủ khoảng cách theo quy định của Bộ Tài chính,” ông Hưng lý giải.

Để có phương án thu phí hài hòa, hợp lý nhất cho người dân, doanh nghiệp ở thị trấn Lăng Cô không đi qua hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia vẫn phải đóng phí, dựa vào thống kê và danh sách lập của địa phương, Công ty Cổ phần Phước Tượng-Phú Gia BOT sẽ xem xét miễn giảm phí đối với 160 xe khi đi qua trạm thu phí hầm Bắc Hải Vân.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Phước Tượng-Phú Gia BOT cũng đã trưng dụng 60% con em người dân địa phương ở huyện Phú Lộc và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế vào làm việc, vận hành tại trạm thu phí./.

Dự án hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia được khởi công từ tháng 5/2013 với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.743 tỷ đồng, trong đó hầm Phước Tượng dài 357m và hầm đường bộ Phú Gia dài 447m, quy mô 2 làn xe cơ giới, rộng 11,5m với hệ thống đường dẫn vào hầm dài khoảng 6,8km.

Hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia hiện đã được đưa vào khai thác từ tháng 12/2015. Chủ đầu tư đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để dự kiến đưa trạm thu phí vào vận hành.

Nhà đầu tư BOT được hình thành từ tổ hợp 3 nhà đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Hưng Phát-Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Hà Thành-Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Thành.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục