Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang bị quá tải, ùn tắc cả trên trời lẫn dưới mặt đất do hạ tầng chưa theo kịp được sự phát triển “nóng” của ngành hàng không.
Để giải quyết thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương nghiên cứu mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay. Tuy nhiên, phương án mở rộng sân bay về phía Bắc hay phía Nam vẫn chưa được "chốt".
Ùn tắc cả trên trời lẫn mặt đất
Đây là một trong những nội dung chính được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay; giải quyết thu hồi đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Thời gian vừa qua, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao (hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc) đã dẫn tới tình trạng quá tải so với công suất thiết kế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cùng với đó là tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là tại khu vực xung quanh sân bay diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
[Kiến nghị loạt giải pháp nâng cao năng lực sân bay Tân Sơn Nhất]
Thống kê cho thấy, tổng công suất thiết kế của 2 nhà ga hiện nay chỉ đạt 28 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thực tế, năm 2016 đạt 32,5 triệu hành khách (trong đó có 20,6 triệu hành khách nội địa và 11,9 triệu hành khách quốc tế). Như vậy, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải nhà ga hành khách.
Dự báo trong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 10-15%/năm giai đoạn đến 2020 và từ 8-10% giai đoạn đến 2025, với nhu cầu 38-40 triệu hành khách vào năm 2018 và 43-45 triệu vào năm 2020.
Với cấu hình khu bay hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, quyết định điều phối Slot (giờ cất hạ cánh) tại một số giờ cao điểm với năng lực tối đa theo lý thuyết là 40-42-40 chuyến/giờ, riêng khung giờ từ 16-19 giờ là 38-40-38 chuyến/giờ, tương ứng khoảng 34-35 triệu hành khách/năm. Điều đó cho thấy, việc khai thác khu bay như hiện nay đã đạt tới giới hạn.
Mặt khác, việc hạn chế về sân đỗ và đường lăn để tàu bay lăn ra đường cất hạ cánh được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cũng ảnh hưởng đến năng lực điều hành bay, nhiều chuyến bay đi/đến bị kéo dài thời gian lăn ra hoặc lăn vào. Trong vùng trời tiếp cận vào giờ cao điểm, có đến 8-9 chuyến phải bay chờ, nhiều chuyến bay đến phải bay vòng chờ hạ cánh.
“Do 40% các chuyến bay đi, đến từ Cảng hàng không quôc tế Tân Sơn Nhất nên việc chậm và hủy chuyến sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới toàn bộ mạng đường bay của các hãng hàng không gây thiệt hại kinh tế, giảm chất lượng phục vụ hành khách và tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không,” Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Theo báo cáo, giao thông tiếp cận sân bay hiện đang duy trì đồng mức và lẫn với luồng phương tiện không vào sân bay. Hiện nay, có khoảng 70% số lượng xe máy và 62% ôtô qua nút giao thông trước nhà ga hành khách quốc tế mà không đi vào sân bay. Do vậy, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đến tận nhà ga, đặc biệt là vào giờ cao điểm và những thời điểm có mưa.
Chưa "chốt" mở rộng phía Bắc hay Nam
Với mục tiêu đáp ứng năng lực khai thác kết cấu hạ tầng phù hợp với tốc độ phát triển giao thông vận tải hàng không và giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc cấp bách đang diễn ra ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó dự kiến sẽ bổ sung đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và xây dựng bổ sung nhà ga T4 mà không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, với thời gian thực hiện quy hoạch nhanh (khoảng từ 2-3 năm).
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khách quan khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam.
[Thuê tư vấn quốc tế xây dựng phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất]
Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ thuê tư vấn chuyên ngành quốc tế nghiên cứu, rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Sau khi tư vấn hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất các phương án quy hoạch, Chính phủ sẽ chỉ đạo thành lập Hội đồng để tổ chức thẩm định phương án mở rộng, điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu và đang thực hiện một số giải pháp cấp bách như đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc phấn đấu hoàn thành dự án trong quý 2-3/2018; đưa các vị trí đỗ tàu bay qua đêm tại khu vực 19,79ha đất quân sự đã bàn giao vào khai thác thương mại; xây dựng phương án sử dụng linh hoạt vị trí đỗ tàu bay…
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra các giải pháp về quản lý, bảo đảm hoạt động bay nhằm tối ưu hóa vùng trời hoặc xem xét phân bổ Slot đến mức giới hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khai thác, đặc biệt trong các đợt cao điểm (như dịp hè, Tết); khuyến khích khai thác quyền vận chuyển số 3, 4, 5 thậm chí số 7 đến các cảng hàng không quốc tế mới được nâng cấp, xây mới như Cần Thơ, Phú Quốc, Phú Bài, Cát Bi, Liên Khương.../.