Chùa Bồ Đề quản lý trẻ lỏng lẻo, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động

Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng nhận thấy công tác nuôi nhận trẻ tại chùa Bồ Đề hiện nay còn rất lỏng lẻo, tạo điều kiện cho tội phạm mua bán người hoạt động.
Hai đối tượng mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề (Ảnh: CQCN cung cấp)

Thượng tá Vũ Thái Hưng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội vừa nhận định: Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng nhận thấy công tác nuôi nhận trẻ tại chùa Bồ Đề hiện nay còn rất lỏng lẻo, tạo điều kiện cho tội phạm mua bán người hoạt động.

Thông tin chi tiết về vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, đại diện Công an thành phố Hà Nội cho hay: Vào khoảng năm 2013, anh Nguyễn Thành Long, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa có đến chùa Bồ Đề nhận làm cha đỡ đầu một bé trai sinh tháng 10/2013, đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, đặt tên là Cù Nguyên Công.

Tuy nhiên, đến ngày 5/1/2014, khi anh Long tới thăm cháu thì không còn thấy Công ở chùa nữa. Sau đó, anh Long đã làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an.

Qua công tác điều tra, cơ quan Công an đã xác định cháu Công là con của chị Trần Thị Thu H. và Vũ Xuân T. Do không thể đi tới hôn nhân nên sau khi đẻ cháu Công tại một nhà nghỉ tại quận Nam Từ Liêm, H đã mang con tới chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.

Tại đây, sư trụ trì Thích Đàm Lan đã hướng dẫn chị tới gặp Nguyễn Thị Thanh Trang (sinh năm 1978, trú tại phố Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người quản lý nhà mở của chùa.

Trang đã hướng dẫn H. làm thủ tục gửi trẻ. Cũng trong khoảng thời gian này, Trang được một người phụ nữ tên là Phạm Thị Nguyệt (sinh năm 1979, ở phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) liên hệ nhờ tìm một cháu bé để nhận làm con nuôi và hứa sẽ bồi dưỡng tiền cho Trang.

Giữa tháng 12/2013, Trang nói với mẹ bé Công là có người chị muốn nhận Công làm con nuôi, đồng thời nhờ người quen biết đóng giả chị của Trang để gặp gỡ nói chuyện. Trang cũng hướng dẫn chị H. làm các thủ tục xin đưa cháu bé ra.

Sau khi chấp nhận cho đứa con trai ruột, mẹ bé Công được Trang chuyển cho 10 triệu đồng vào tài khoản.

Sau khi mẹ bé Công đồng ý, Trang yêu cầu Nguyệt phải chi 40 triệu đồng để trả cho mẹ cháu. Nguyệt chấp thuận và chuẩn bị trước 35 triệu đồng.

Tới đầu tháng 1/2014, bé Công được trao cho Nguyệt theo như thỏa thuận. Tuy nhiên, tới tháng 6/2014, do bị bệnh nặng, cháu đã tử vong khi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trên cơ sở điều tra, cơ quan công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trang và Nguyệt, đồng thời khởi tố vụ án theo Điều 120 Bộ luật Hình sự.

Theo Thượng tá Vũ Thái Hưng, công tác tiếp nhận, nuôi trẻ em ở chùa Bồ Đề là rất lỏng lẻo. Các cháu ra vào chùa đều không có giấy tờ mang tính pháp lý để quản lý.

“Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người lợi dụng,” Phó phòng PC45 Hà Nội nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ nhiều giấy khai sinh của các cháu bé không phải con đẻ của Nguyệt và giấy viết tay của người khác, có dấu hiệu làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc các cháu bé Nguyệt đang nuôi.

Đề cập đến trụ trì chùa Bồ Đề, đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết: ni sư Thích Đàm Lan có trách nhiệm liên quan đến vụ việc, tuy nhiên, mức độ tới đâu vẫn cần tiếp tục được làm rõ.

Cơ quan công an cũng sẽ khởi tố bị can đối với Trang và Nguyệt, đồng thời khẩn trương xác minh các thông tin khác có liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục