"Chủ trương thí điểm hai dự án bauxite là đúng đắn"

Việc đầu tư thí điểm hai dự án bauxite tại Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông là bước khởi đầu cho tiến trình hình thành ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam trong tương lai. Chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp này đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao cho Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) triển khai.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến hai dự án bauxite tại Tây Nguyên đang được dư luận quan tâm.
Việc đầu tư thí điểm hai dự án bauxite tại Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông là bước khởi đầu cho tiến trình hình thành ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam trong tương lai. Chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp này đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao cho Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) triển khai.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến hai dự án bauxite tại Tây Nguyên đang được dư luận quan tâm.

-Xin Bộ trưởng cho biết cơ sở của việc triển khai các dự án khai thác và chế biến bauxite tại Tây Nguyên?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo kết quả thăm dò, trữ lượng bauxite của Việt Nam khoảng 10-11 tỷ tấn (là một trong một số ít nước được đánh giá là có trữ lượng bauxite lớn trên thế giới) tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên; trong đó tại tỉnh Đăk Nông là khoảng 4,6 tỷ tấn và tại tỉnh Lâm Đồng khoảng 2 tỷ tấn.

Bauxite là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu nhôm kim loại tăng mạnh, dẫn đến nhu cầu alumin trên thế giới cũng tăng theo. Tình hình trong nước cũng diễn ra tương tự.

Theo dự báo, nhu cầu nhôm trong nước vào năm 2020 sẽ khoảng 0,75-1,0 triệu tấn và năm 2030 khoảng 1,6-2,0 triệu tấn ( nhu cầu hiện tại khoảng nửa triệu tấn và hàng năm ta phải chi trên 1 tỷ USD nhập khẩu ). Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu 100% nhôm kim loại, nên việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến bauxite, trong đó giai đoạn đầu là chế biến alumin là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, từ việc triển khai các dự án bauxite tại Tây Nguyên cũng là giúp cho vùng đất giàu tiềm năng này hiện còn rất nhiều khó khăn có cơ hội phát triển kinh tế xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Như vậy, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bauxite là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp. Vì đây là một lĩnh vực công nghiệp mới mẻ, chúng ta chưa có kinh nghiệm, nên quan điểm chỉ đạo là trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch, nếu phát sinh bất cập phải kịp thời xem xét để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, phải làm thí điểm và đi từ quy mô nhỏ lên dần quy mô lớn.

Điều hết sức quan trọng là chúng ta chủ trương đầu tư từ khâu khai thác đến khâu chế biến bauxite, chỉ sử dụng công nghệ nước ngoài ở những khâu Việt Nam chưa làm được, vì bauxite tập trung tại một địa bàn chiến lược là Tây Nguyên.

Do vậy, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta mới đầu tư thí điểm 2 dự án khai thác bauxite và chế biến thành alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông).

-Trên thực tế, dự án Tân Rai chậm tiến độ hơn 2 năm và dự án Nhân Cơ có thể chậm tiến độ hơn 1 năm. Vậy theo Bộ trưởng, lý do của sự chậm trễ này là gì?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trước tiên phải khẳng định được sự quan tâm thường xuyên và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông, hai dự án đã được Vinacomin và các nhà thầu triển khai thực hiện với quyết tâm rất cao, huy động nguồn lực lớn.

Tuy nhiên, các dự án vẫn bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chính và khách quan là các dự án có công nghệ khá phức tạp, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam và được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn của vùng Tây Nguyên. Việc thi công hồ bùn đỏ bị kéo dài do phải rà soát, tái thẩm định thiết kế kỹ thuật và bổ sung các giải pháp để đảm bảo an toàn cho công trình. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến phải kéo dài tiến độ. Quan điểm của tôi là chúng ta phải chấp nhận kéo dài nhưng đổi lại sẽ yên tâm hơn về mức độ an toàn công trình.

Nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư các dự án loại này. Chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện thật tốt công tác thông tin tuyên truyền, giải thích làm cho một bộ phận trong dư luận xã hội chưa đồng thuận với việc triển khai dự án nên ở giai đoạn đầu của quá trình thi công có một số hạng mục đã phải tạm gi ãn tiến độ chờ xem xét.

Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư dự án tại Tân Rai, cuối tháng 12 năm 2012 đã sản xuất thử thành công sản phẩm Alumin đầu tiên với chất lượng được đánh giá cơ bản đạt yêu cầu. Còn đối với dự án Nhân Cơ, do rút được kinh nghiệm từ dự án Tân Rai, tiến độ có được cải thiện hơn, hiện đã thực hiện được hơn 50% khối lượng xây lắp và dự kiến nửa đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành.

-Giá alumin tại thời điểm hiện nay đã giảm xuống mức 326,5 USD/tấn. Và như thế, thưa Bộ trưởng, hiệu quả của hai dự án khai thác bauxite trên sẽ được đánh giá trên những cơ sở nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đúng là giá alumin hiện tại thấp hơn giá tính toán tại thời điểm phê duyệt dự án khoảng 10%. Nhưng tôi cho rằng việc xem xét hiệu quả kinh tế các dự án đầu tư, nhất là những dự án có vốn đầu tư lớn, thời hạn hoạt động dài 30-40 năm... cần phải dựa trên những tính toán dài hạn, không thể chỉ căn cứ vào một thời điểm để khẳng định hiệu quả hay không hiệu quả. Đó là chưa kể hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội của dự án, tác động lan tỏa của dự án tại khu vực...

Đầu tiên, phải khẳng định hai dự án là thí điểm bước đầu để hình thành ngành công nghiệp khai thác và chế biến nhôm của Việt Nam. Mà đã là thí điểm thì phải có thời gian để khẳng định về mức độ chắc chắn của hiệu quả kinh tế.

Thứ hai, giá alumin trên thị trường thế giới tuy hiện nay thấp hơn giá tại thời điểm đầu năm 2009 – thời điểm phê duyệt dự án, nhưng cũng như đối với các kim loại mầu khác, không ai đảm bảo rằng mức giá này sẽ cố định như thế trong vòng 5 hoặc 10 năm tới.

Thứ ba, hai dự án thí điểm tại Lâm Đồng và Đăk Nông không thuần túy là dự án kinh doanh của một doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thì hiệu quả kinh doanh là một mục tiêu chủ yếu, nhưng đối với xã hội điều lớn hơn mà tất cả chúng ta mong đợi là hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội đối với phát triển vùng, phát triển ngành và phát triển nền kinh tế.

Vì vậy, quan điểm của tôi là hãy để dự án vận hành một thời gian rồi chúng ta sẽ có cơ sở hơn trong xem xét và đánh giá hiệu quả của dự án. Có lẽ đó là cách tiếp cận khách quan và phù hợp. Thêm nữa, cùng với việc chủ đầu tư tiếp tục rà soát, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị... thì chắc chắn hiệu quả sẽ được tăng lên.

-Việc dừng triển khai dự án cảng Kê Gà liệu có cho thấy khi thực hiện các dự án Bauxite này chưa được tính toán kỹ lưỡng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo thiết kế ban đầu, dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015 là 3,5 triệu tấn/ năm; năm 2020 là 17,5 triệu tấn/ năm; năm 2025 là 27 triệu tấn/ năm và năm 2030 là 37 triệu tấn/năm nhằm trước hết phục vụ cho các dự án bauxite-nhôm của Vinacomin và phục vụ các dự án khai thác chế biến titan, than cho các nhà máy điện..., có nghĩa là xây dựng một cảng tổng hợp.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong quá trình xem xét lại Quy hoạch bauxite, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh cho phù hợp theo hướng quy mô khai thác và chế biến nhỏ hơn trước. Tổng công suất của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ với khoảng 1,3 triệu tấn/năm, thấp hơn nhiều so với thiết kế ban đầu.

Mặt khác, hiện nay với việc tỉnh Bình Thuận đã có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam, việc khai thác titan cũng đang tạm dừng cho đến khi có dự án chế biến sâu..., thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý.

Với lý do trên, theo đề nghị của Vinacomin và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ..., Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho dừng đầu tư cảng Kê Gà. Trong thực tế hầu như chưa có sự đầu tư đáng kể nào cho dự án này.

-Do đây là hai dự án thí điểm, vậy tác động của nó đến môi trường ra sao, nhất là việc xử lý vấn đề bùn thải, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tác động môi trường là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước cũng như dư luận quan tâm đặc biệt. Chúng ta đã có nhiều bài học về môi trường, không chỉ trong nước mà có cả trên thế giới. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành thận trọng các khâu có liên quan đến an toàn công trình, từ thiết kế hồ bùn đỏ đến các biện pháp bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý hữu hiệu khi xảy ra sự cố.

Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, chúng ta đã cử đoàn sang khảo sát để rút kinh nghiệm cần thiết. Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Nếu thành công, vừa sẽ mang lại nguồn thu bổ sung cho dự án, vừa giảm chi phí đầu tư.

Với sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước, tôi cho rằng, chúng ta có thể yên tâm về vấn đề môi trường tại 2 dự án trên, nghĩa là không thể để xảy ra tình trạng sau khi hoàn tất việc thí điểm lại phát sinh các hậu quả tiêu cực về môi trường mà không thể khắc phục./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục