Chú trọng giáo dục nghề nghiệp để giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội

Các đại biểu cho rằng cần phải phát huy tốt nhất vai trò của giáo dục nghề nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới.
Chú trọng giáo dục nghề nghiệp để giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận ngày thứ hai về các vấn đề kinh tế-xã hội.

Còn nhiều bất cập trong giáo dục hướng nghiệp

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), báo cáo của Chính phủ cho thấy trong những năm qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng thiết thực, tăng thực hành, gắn với thực tiễn.

Trước những thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, vai trò của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông ngày càng trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giáo dục hướng nghiệp của các trường phổ thông, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, vẫn còn nhiều bất cập như thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thiếu giáo viên chuyên trách, tư vấn hướng nghiệp; giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản...

Trong khi đó, hoạt động tư vấn hướng nghiệp chủ yếu do nhà trường tự tổ chức hoặc phối hợp với các trung tâm giáo dục, dạy nghề, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức, chỉ diễn ra trong mùa tuyển sinh. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp chỉ có 9 tiết học/1 năm, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra của công tác giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp khắc phục tình trạng bất cập, nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thông qua việc tích hợp các tiện ích của công nghệ thông tin và khai thác sự tham gia của cộng đồng xã hội, phát huy hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo nghề nghiệp.

Đại biểu nêu rõ: “Cần có một bộ chủ quản duy nhất chịu trách nhiệm để đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, giáo dục đại học; quy hoạch đồng bộ mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học xuất sắc hiện nay."

[Ứng dụng 'ILO-Hướng nghiệp': Hỗ trợ học sinh lựa chọn nghề nghiệp]

Đào tạo nghề là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), báo cáo của Chính phủ về 6 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy, giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt những con số ấn tượng, vượt mục tiêu Nghị quyết 76 đề ra.

Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,42%; ước tính trong năm 2020 còn khoảng 2,75% hộ nghèo. Trung bình số hộ nghèo ở 64 huyện nghèo giảm 5,28% mỗi năm; ước tính cuối năm 2020 còn khoảng 24%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 142 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Nhận định về kết quả giảm nghèo đến hết năm 2019 và dự báo đến cuối năm 2020 kết quả giảm nghèo chưa bền vững, có sự chênh lệch giữa các vùng miền, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề cập sự cần thiết của vấn đề đào tạo nghề trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung giải thích, ngay từ năm 1999, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã nhấn mạnh tới vai trò của việc đào tạo nghề cho người nghèo. Nghèo đói có tương quan trực tiếp với trình độ, năng lực của con người; do đó, kỹ năng và khả năng làm việc có đóng góp quan trọng vào việc giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và tăng cường ổn định chính trị.

Cùng với đó, ILO đã khuyến nghị Chính phủ thiết kế các chương trình giảm nghèo nên xem xét tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, mặt khác, thúc đẩy cơ hội cho sinh viên được tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp; phát huy vai trò của giáo dục nghề nghiệp để giảm nghèo. Một số nước như Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc… đã thành công trong việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh: |Ở Việt Nam, các chính sách giáo dục nghề nghiệp nhắm vào người nghèo, nhưng dường như chỉ tập trung vào giáo dục cơ bản hoặc đào tạo ngắn hạn. Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được công nhận rộng rãi là một công cụ thiết yếu để giảm nghèo. Đào tạo không chính thức có thể giúp giảm nghèo trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đối với một nền kinh tế đang hướng tới việc giúp người dân thoát nghèo bền vững, chính thức hóa việc làm phi chính thức, việc đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ."

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhận định, với sự thay đổi đang diễn ra trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay, việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp có thể giúp nước ta phá vỡ “vòng luẩn quẩn nghèo, không đi học, không có nghề nghiệp”.

Theo đại biểu, giáo dục nghề nghiệp góp phần giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo bền vững; đồng thời hỗ trợ quá trình chính thức hóa thị trường lao động, nâng cao khả năng tìm được việc làm cho người được đào tạo chính quy.

Nhiều báo cáo nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế của hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo của người tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%; trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo của chủ hộ chưa học xong tiểu học lên đến 26,6%.

Trong giai đoạn 2012-2016, tỷ lệ nghèo đều giảm ở các hộ, chủ hộ có trình độ học vấn cao hơn, trong khi tốc độ giảm nghèo đạt thấp hơn ở các nhóm, các hộ, chủ hộ lao động không có kỹ năng nghề. Mặt khác, tình trạng trẻ bỏ học khi mới học hết lớp 9 ở các hộ nghèo còn khá phổ biến. Việc phân luồng và dạy nghề là giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu đề nghị, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với những thách thức đến từ tình trạng già hóa dân số, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, biến đổi khí hậu và các loại thiên tai, dịch bệnh... đất nước cần tiếp tục kế thừa quan điểm của Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung khẳng định, để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo nghề, việc làm là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất. Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả trên cơ sở chiến lược tăng trưởng cân bằng, an toàn, bao trùm, bền vững và sáng tạo. Từ đó, người lao động có tiền lương, thu nhập, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình từ mức trung bình trở lên.

Đại biểu lưu ý, giáo dục nghề nghiệp là dịch vụ xã hội cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đa dạng, linh hoạt, tập trung vào các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nêu rõ, giảm nghèo bền vững và phát triển giáo dục nghề nghiệp có mối quan hệ gắn bó với nhau chặt chẽ. Do đó, việc đề xuất chủ trương đầu tư dự án phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là hết sức phù hợp và cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm chỉ đạo để phát huy tốt nhất vai trò của giáo dục nghề nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục