Trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ ngày 22-26/1 tới tại Davos (Thụy Sĩ), với chủ đề "Xây dựng một tương lai chung trong thế giới rạn nứt," Chủ tịch điều hành WEF, giáo sư Klaus Schwab, đã có bài viết về những thách thức lớn của thời đại, bao gồm vấn đề khí hậu và sự xuất hiện của các công nghệ mới.
Theo bài viết đăng tải trên trang web của Tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới, từ 2005, WEF đã bắt đầu thúc đẩy một cuộc đối thoại đa ngành và nhấn mạnh tiềm năng hợp tác công-tư để giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu cấp bách, như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước.
Kể từ đó đến nay, một thập kỷ cam kết công-tư với quy mô lớn bao gồm tất cả các bên liên quan đã giúp tạo ra một kế hoạch hành động mới, mang tính hợp tác hơn, với việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạch định chính sách nói, suy nghĩ và hành động rất khác so với thời điểm cách đây 10 năm khi đề cập đến vấn đề môi trường và khí hậu.
Năm 2015, các quốc gia trên thế giới - sau một quá trình thiết kế hợp tác - đã nhất trí rằng chính Mục tiêu phát triển bền vững thứ 17 tập trung hoàn toàn vào việc cải thiện quan hệ đối tác toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững.
[WEF cảnh báo gia tăng các rủi ro kinh tế trong năm 2018]
Ngày càng có nhiều người nhận thức được sức mạnh của các công nghệ mới nổi trong việc biến đổi nền kinh tế, xã hội và chính bản thân con người. Thuật ngữ "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" đã trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, tốc độ, quy mô và phạm vi của những thay đổi được khởi động ngày hôm nay, cùng với thực tế là các doanh nhân, các xã hội và các nhà hoạch định chính sách lúc này đã tạo ra các quy tắc, tiêu chuẩn, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xung quanh các công nghệ mới, điều này có nghĩa là con người cần thay đổi tư duy kịp thời.
Theo giáo sư Schwab, sự hiểu biết của thế giới về các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là trong khi các cuộc cách mạng đó tạo ra sự giàu có và các cơ hội, chúng cũng tạo ra một mối nguy đáng kể.
Đó là việc nhiều người vì không bắt kịp được thay đổi mà bỏ lỡ hoàn toàn các lợi ích, và thường đó là quần chúng, những người tiếng nói ít có trọng lượng hơn cả và cũng là những người phải chịu đựng những hậu quả tiêu cực nhất.
Thay đổi suy nghĩ và hành động là cần thiết cho tất cả các đối tượng, bao gồm các cá nhân, các lãnh đạo doanh nghiệp, những người có tầm ảnh hưởng và các nhà hoạch định chính sách.
Nhiệm vụ cấp bách nhất của các chính phủ là mở ra không gian cho những cách tiếp cận mới trong lĩnh vực quản trị công nghệ.
Đối với các doanh nghiệp, chiến lược quan trọng nhất là thử nghiệm nhiều hơn, đồng thời tăng cường đầu tư vào con người.
Đối với các công dân, hành động quan trọng nhất là tham gia vào làn sóng thay đổi và tiếng nói của họ cần được lắng nghe với tư cách của những cử tri, người tiêu dùng, nhân viên, thành viên của các tổ chức xã hội dân sự và lãnh đạo cộng đồng./.