Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy vậy, ông Giang cũng cho rằng, hội nhập càng sâu rộng thì khả năng thích ứng về cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Do vậy, doanh nghiệp phải nâng cao vai trò quản trị để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh và rút ngắn thời gian giao hàng.
Để hiểu rõ hơn những cơ hội và thách thức của ngành dệt may trong năm 2017, ông Vũ Đức Giang đã có một số trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị của Bộ Công Thương ngày 29/3.
- Hiện Việt Nam đang đàm phán với các nước về hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), theo ông hiệp định này có tác động như thế nào tới ngành dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị những gì để đón đầu các cơ hội từ hiệp định này?
Ông Vũ Đức Giang: Hiệp định này khi được thực thi sẽ tạo ra động lực lớn cho ngành dệt may nhờ một thị trường xuất khẩu lớn, cũng như mở ra nhiều cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp trong nước. Đặc biệt, hiệp định khi được thực thi thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không phải chịu nhiều rào cản thương mại ràng buộc.
- Trong khi RCEP chưa được ký kết thì hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng chưa rõ ràng, vậy ngành dệt may có giải pháp gì để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới?
Ông Vũ Đức Giang: Mỗi một hiệp định đều có lợi ích riêng. Thực tế, Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn sang Mỹ và đây là thị trường có khả năng thích ứng với doanh nghiệp dệt may Việt Nam tốt hơn, còn với hiệp định RCEP thì cần phải có quá trình.
Nhưng một thị trường có tính chiến lược ở khu vực châu Á thì sẽ có 3 lợi ích, đầu tiên là chi phí vận chuyển trong khối RCEP sẽ giảm hơn so với việc xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ta, thị trường trong khối RCEP sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng về nguồn cung nguyên phụ liệu.
Bên cạnh đó, hiệp định RCEP sẽ tạo ra khoảng thị trường rộng lớn hơn và văn hóa của các nước trong khu vực châu Á sẽ giúp việc đàm phán và ký kết nhanh hơn, cũng như tạo ra động lực để thu hút đầu tư giữa các nước trong khối.
- Trong khối RCEP cũng có nhiều nước như Trung Quốc và Ấn Độ là các cường quốc về dệt may, vậy đây có phải là khó khăn lớn hơn đối với ngành dệt may khi tham gia hiệp định này?
Ông Vũ Đức Giang: Việt Nam không quan ngại lắm khi phải cạnh tranh với các nước trong khối RCEP như Trung Quốc, bởi hiện tại Việt Nam đang xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc bình quân từ 1,8-2 tỷ USD.
Cần nhận thấy, chi phí đầu vào cũng rất đắt đỏ, do vậy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gần đây đã sang Việt Nam để đặt hàng mua các sản phẩm nhờ chi phí vận tải rẻ hơn và giá cũng tốt hơn khi đưa về các địa phương miền Tây của Trung Quốc và Việt Nam cũng có thế mạnh riêng.
Trong khi đó, việc Ấn Độ tham gia RCEP cũng là một lợi thế, vì hiện nay Việt Nam chưa có hiệp định thương mại với Ấn Độ, nhưng khi có RCEP thì những điều khoản trong hiệp định này sẽ giúp Việt Nam vào thị trường này dễ dàng hơn và đây là thị trường rất lớn.
- Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có những giải pháp thế nào nếu TPP không được ký kết?
Ông Vũ Đức Giang: Trong năm 2016, xuất khẩu dệt may chỉ đạt mức tăng trưởng 9,2%, nhưng theo nhận định của cá nhân tôi thì xuất khẩu năm 2017 sẽ khả quan hơn, với mức tăng trưởng từ 13-14%.
Đáng chú ý, sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump lên nắm quyền đã có những tuyên bố về TPP thì đến nay các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu quay lại Việt Nam.
Thực tế, khi doanh nghiệp không có hiệp định TPP thì vẫn là thành viên của WTO nên quan hệ thương mại vẫn được thực hiện từ trước đến nay, chỉ khác một điều là một số dòng thuế trong WTO cao hơn TPP.
Tuy vậy, đây cũng là một cơ hội để doanh nghiệp vững vàng hơn trước các hiệp định thương mại và chủ động được ở các thị trường khác.
- Ông có nói năm 2016 là năm khó khăn với ngành, vậy để vượt qua những thách thức thì ngành dệt may cần có những giải pháp căn cơ ra sao?
Ông Vũ Đức Giang: Hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng Tám, và chuyện đơn hàng đến thời điểm này là không đáng ngại.
Nhưng theo tôi hội nhập càng sâu rộng thì khả năng thích ứng về cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Vấn đề còn lại là vai trò quản lý của doanh nghiệp phải đảm bảo được từ việc đưa ra mức giá cạnh tranh với các cường quốc dệt may khác.
Tiếp đến là phải đảm bảo chất lượng, và điều này khách hàng đặt rất cao, không thể thương lượng. Cuối cùng là thời gian giao hàng cũng phải ngắn hơn, đòi hỏi doanh nghiệp có khả năng quản trị, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
- Xin cảm ơn ông./.