Đi sâu phân tích về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm, thận trọng quá mức, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam (VASA), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng sụt giảm sâu là do cán bộ, công chức thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc được giao, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn: Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã được tiến hành rất mạnh mẽ, ai sai phạm cũng bị xử lý, không có vùng cấm, không có vùng tránh.
Điều này có tác dụng rất lớn, không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, mà còn nhắc nhở mọi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đều phải công tâm, tuân thủ pháp luật, hết lòng vì lợi ích của xã hội, của nhân dân và đất nước…
Tuy nhiên, thực tế có xuất hiện tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, không dám làm, làm việc cầm chừng, co cụm cầu an hoặc thận trọng quá mức trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức.
Tôi đã biết không ít người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị không dám ký các văn bản, nhất là liên quan đến đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai,... do lo sợ có sai phạm.
Ở một góc độ khác, một bộ phận cán bộ có quyền quyết định phê duyệt và cán bộ tham mưu theo dõi trình các dự án đầu tư, xây dựng cầu đường, cơ sở hạ tầng, quản lý đất đai, kinh doanh thương mại, tài nguyên môi trường...
[Dám nghĩ, dám làm phải song hành với chống tham nhũng, tiêu cực]
Những công việc này dễ xảy ra, hay xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhất. Trong bối cảnh phòng, chống tham nhũng hiện nay, một số người quen nhận quà cáp hoặc ăn chia khi giải quyết công việc, nay không thể hoặc không dám tham nhũng, không dám tìm kiếm lợi ích riêng tư cho mình, cũng hay xảy ra tâm lý co lại, cầm chừng, không giải quyết, không quyết đáp.
- Chúng ta từng có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - "nói và làm", có đồng chí Kim Ngọc với “khoán 10” trong nông nghiệp, có Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân - với nhiều quyết định đột phá và chính ông cũng gỡ vướng về mặt pháp lý cho nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, để đất nước có được rất nhiều thành tựu nổi bật sau hơn 30 năm đổi mới. Vậy theo ông, vì sao giờ đây cán bộ không những không dám đổi mới, sáng tạo, mà có cơ chế rồi cũng không dám làm?
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn: Lịch sử cho chúng ta thấy có nhiều tấm gương năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung, vì đất nước, dân tộc: Khoán hộ trong nông nghiệp của đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm tiền đề cho “khoán 10”; việc khoán "chui" của đồng chí Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành phố Hải Phòng; chuyện “xé rào” của đồng chí Nguyễn Văn Linh khi còn là Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh,...
Để tạo ra các tiền đề cho nhiều đổi mới, phát triển sau này, có người cũng phải chịu thiệt thòi, bị kỷ luật, nhưng cuối cùng với thành công đạt được, Đảng, Nhà nước, nhân dân đều ghi nhận, đánh giá cao và tôn vinh, giao giữ các vị trí rất quan trọng trong Đảng, Nhà nước.
Đến giai đoạn hiện nay, khi đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, lại xuất hiện tâm lý e ngại, không dám làm, sợ trách nhiệm, mong an toàn...
Nhưng hầu như tình trạng này đều tập trung ở các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như các dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng đô thị, giao thông, đất đai,... dẫn đến hậu quả không chỉ việc giải ngân vốn đầu tư ì ạch, mà rất nhiều dự án, nhiệm vụ khác.... chưa triển khai được, ùn tắc, đọng việc.
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định một điều là bên cạnh tình trạng không dám làm, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo, đa số đội ngũ cán bộ, công chức vẫn tận tụy, trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tôi chứng kiến nhiều bộ, ngành và cả các địa phương, cán bộ, công chức làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật để bảo đảm tiến độ công việc và kế hoạch được trên giao.
Cho nên, thực tế tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, không dám làm, làm việc cầm chừng... đúng là có diễn ra, nhưng chỉ trong một bộ phận cán bộ, công chức ở một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm chứ không phải trong cả đội ngũ cán bộ, công chức.
- Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có nhận định, “trong lúc Đảng, Nhà nước tập trung cao cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có một bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm sợ sai”. Liệu có phải cán bộ có tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”?
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn: “Bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm sợ sai” nói ở đây là những người thiếu trách nhiệm và yếu năng lực - mà những người như thế này đôi lúc chúng ta vẫn gặp, chứ không phải đến bây giờ.
Cán bộ, công chức nếu làm đúng pháp luật, đúng quy định, không có tư lợi cá nhân chẳng có gì để sợ. Những người này sẽ luôn được xã hội trân trọng, được bảo vệ, biểu dương và khen thưởng.
Chỉ người có sai phạm mà chưa bị “lộ” mới lo sợ, không biết khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật hỏi đến; hoặc những người hạn chế về nhận thức, yếu kém về năng lực mới lo sợ không dám làm gì.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm ‘nản chí,’ ‘chùn bước’, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên. Mà chỉ làm ‘chùn bước’ những ai có động cơ không trong sáng, đã trót ‘nhúng chàm’ và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm… Ai không dám làm mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm.”
Một góc độ khác đáng sợ nữa là làm mà không biết rằng đúng hay sai? Vì để biết được đúng hay sai, phải có kiến thức, có trình độ. Còn những người không làm gì cả để giữ an toàn, họ quên mất là họ vào công chức để làm việc và nhận tiền lương. Không làm việc để an toàn mà vẫn hàng tháng hưởng tiền lương do nhân dân đóng thuế trả thì có xấu hổ không?
Có đại biểu Quốc hội từng nói vẫn có trường hợp cán bộ có tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Hội đồng kỷ luật mang tính hành chính, xử lý những vi phạm trong thực thi công vụ, trong thực hiện kỷ cương với kết quả là có thể bị một hình thức kỷ luật. Còn ra tới tòa án, hội đồng xét xử các vi phạm cấu thành tội phạm với phán quyết có thể bị vào tù, mất quyền tự do và đương nhiên là bị buộc thôi việc kèm theo.
Tuy nhiên, theo tôi, những người không làm gì để an toàn hoặc những người không dám làm vì sợ sai mà hằng tháng vẫn nhận tiền lương, không chờ đứng trước hội đồng kỷ luật hay hội đồng xét xử. Sẽ đến lúc, họ đứng trước “hội đồng của lương tâm,” của danh dự để nghe phán xét. Những người như vậy nên đưa ngay vào diện tinh giản biên chế hoặc giải quyết cho thôi việc để tuyển chọn những người xứng đáng tham gia vào công vụ.
Nhân nói về vấn đề này, tôi thấy bên cạnh tiếp tục thực hiện phòng, chống tham nhũng, vẫn cần triển khai xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế.
Theo đúng tư tưởng của Bác Hồ "xây" và "chống" phải đi đôi với nhau: “Chống triệt để bảo đảm cho công việc xây thành công; Xây phát triển mạnh mẽ thì đối tượng chống sẽ được xóa bỏ tận gốc” và “muốn diệt cỏ dại thì phải trồng nhiều hoa.”
- Ông đánh giá như thế nào về việc Thủ tướng ban hành công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó yêu cầu kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm?
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn: Công điện của Thủ tướng về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc là một chỉ đạo rất đúng và cần thiết trong giai đoạn này để khắc phục việc không dám làm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy và né tránh,… trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Để công điện của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, vai trò người đứng đầu trong phân công, kiểm tra, đánh giá và quản lý chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức rất quan trọng. Công việc không chạy, ùn việc, chất lượng không tốt, người đứng đầu phải xử lý, tổ chức lại cho hiệu quả. Đơn vị, tổ chức mà không hoàn thành nhiệm vụ, cần phải xem xét trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu.
- Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Theo ông, Nghị định có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn: Trước hết phải nói, đây là một giải pháp nếu được thực hiện sẽ có tác dụng mạnh mẽ, củng cố niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ. Người ta sẵn sàng sáng tạo, đột phá, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhưng họ cũng cần có môi trường, điều kiện thuận lợi để làm việc, cống hiến, nhất là được khuyến khích và bảo vệ.
Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã xác định: "Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung".
Nhiều nghiên cứu cho thấy, cán bộ, công chức còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không phù hợp với thực tiễn. Những vấn đề mới nảy sinh, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong quá trình hoạt động thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức chưa có quy định về khuyến khích, bảo vệ để tự tin, yên tâm phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dễ bị xử lý kỷ luật, xử lý pháp luật khi có vi phạm, thiếu sót trong quá trình năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Từ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn như vậy, việc ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết. Qua đó, sẽ tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn tận tâm, nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Động viên, khuyến khích cán bộ tự tin, tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
- Để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, theo ông cần những nguyên tắc gì và chính sách như thế nào?
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn: Theo tôi, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cần bảo đảm 5 nguyên tắc sau:
Một là, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và phù hợp Hiến pháp 2013; việc triển khai phải đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và điều kiện quy định.
Hai là, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo phải bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch.
Ba là, chỉ thực hiện đối với các hoạt động đổi mới, sáng tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm.
Bốn là, chỉ khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong các hoạt động nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt của cơ chế, chính sách chưa được pháp luật quy định hoặc có nhiều quy định chồng chéo, mẫu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn.
Năm là, cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nếu có sai phạm, hoặc thiếu sót được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Trên cơ sở 5 nguyên tắc trên, có chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Theo đó, các biện pháp bảo vệ sẽ bao gồm: miễn hoặc giảm nhẹ trong xem xét kỷ luật, xử lý hình sự; miễn hoặc giảm trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản thiệt hại do thực hiện đổi mới, sáng tạo.
Với nguyên tắc và các chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chúng tôi cho rằng, cái khó lớn nhất trong thực hiện là hai vấn đề. Thứ nhất, phải xác định rõ các trường hợp được thực hiện quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ hai, quy định rõ cấp nào hoặc ai được giao thẩm quyền quyết định cho thực hiện các ý tưởng, sáng tạo, đổi mới của cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
- Trân trọng cảm ơn ông!