Chủ tịch USABC đánh giá cao triển vọng hợp tác song phương Việt-Mỹ

USABC tái khẳng định cam kết hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định và khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô, cũng như hỗ trợ chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng xanh.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)

Nhân dịp hướng tới kỷ niệm 10 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (7/2013-7/2023), phóng viên TTXVN tại Washington đã có cuộc trao đổi với ông Ted Ausius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) về những thành tựu trong hợp tác song phương Việt-Mỹ thời gian qua, cũng như đánh giá về triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới.

Tại cuộc trao đổi, ông Ted Ausius đã nêu bật một số nét chính về hợp tác song phương trên các lĩnh vực, trong đó thương mại và đầu tư đóng vai trò lớn trong mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ, với điểm nhấn là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đã tới thăm Việt Nam.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 123,86 tỷ USD.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng bình quân gần 20% mỗi năm.

Đánh giá về kết quả chuyến công tác của đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC nhấn mạnh đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ thăm Việt Nam trong nhiều thập kỷ, với tổng cộng 52 công ty đang tìm kiếm cơ hội bán hàng, nguồn cung ứng và đầu tư. Đáng chú ý là chuyến thăm diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ.

Phái đoàn đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tiếp đón, bao gồm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo chủ chốt một số bộ, ban ngành và các cơ quan.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu, kiên nhẫn lắng nghe các mối quan tâm của doanh nghiệp Mỹ, đồng thời đưa ra những giải đáp chi tiết và thỏa đáng, nhất là đã chỉ rõ các đầu mối của phía Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện bước đi tiếp theo.

[Việt Nam-Hoa Kỳ xác định những lĩnh vực tiềm năng thúc đẩy kinh tế]

Về phần mình, USABC tái khẳng định cam kết hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định và khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô, cũng như hỗ trợ chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng xanh.

Ngoài ra, các thành viên trong đoàn đã nêu bật các sáng kiến đang triển khai trong các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, bao gồm nông nghiệp, hàng không vũ trụ, năng lượng, y tế, hậu cần, du lịch, kinh tế số, dịch vụ tài chính, quốc phòng, đổi mới và kinh tế sáng tạo, đồng thời đề xuất các lĩnh vực hợp tác mới.

Liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực y tế, ông Ted Ausius cho biết Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam điều trị bệnh lao từ năm 2004. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Mỹ đã cung cấp 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã hỗ trợ cho Mỹ khẩu trang và thiết bị bảo vệ cá nhân. Đây là một lĩnh vực hợp tác đóng vai trò quan trọng đối với cả hai nước và cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Về khoa học và công nghệ, hai nước gần đây đã tiến hành họp ủy ban chung để thảo luận về các vấn đề lớn như hợp tác vũ trụ, hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học...

Về giáo dục, Việt Nam đã thăng hạng trở thành quốc gia có số lượng lưu học sinh lớn thứ 5 tại Mỹ. Đây là một tín hiệu đáng chú ý về cam kết của sinh viên và các bậc phụ huynh Việt Nam mong muốn con cái họ được hưởng nền giáo dục tại Mỹ và điều đó nói lên cảm xúc về giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa giữa hai nước. Điều này có ý nghĩa thực sự quan trọng, cùng với việc giao lưu đi lại giữa hai nước của các học sinh, sinh viên và gia đình, cũng như các nhà đầu tư.

Trong khi đó, lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh đã được hai bên quan tâm trở lại, các cuộc đàm phán, trao đổi giữa Mỹ và các đối tác Việt Nam diễn ra thường xuyên hơn.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ông Ted Ausius thẳng thắn nhận định vẫn còn nhiều việc phải làm để hai bên hiểu được quy trình của nhau. Ví dụ, Mỹ đã làm việc với Cảnh sát biển của Việt Nam để cung cấp cho lực lượng này khả năng bảo vệ lợi ích hàng hải, bao gồm cả lãnh thổ và ngư trường, để ngăn chặn cướp biển và nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát.

Về triển vọng hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của USABC nhận định việc một số lượng lớn các công ty tham gia vào đoàn doanh nghiệp Mỹ thăm Việt Nam cho thấy các công ty Mỹ có niềm tin vào triển vọng tăng trưởng và sự lãnh đạo của chính phủ Việt Nam, bất chấp những khó khăn mà kinh tế Việt Nam và kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm nay do xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây.

Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chứng kiến xu hướng mạnh mẽ trong việc mở rộng các trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), đồ chơi, đồ nội thất, thực phẩm và nông sản, kinh tế số, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe.

Hiện đang bắt đầu chứng kiến làn sóng các công ty Việt Nam đầu tư tại Mỹ như Vinfast, An Phát, Sovico... các công ty này cung đồng thời là các khách hàng lớn của các công ty Mỹ.

Theo ông Ted Osius, tất cả các xu hướng này đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và đầu tư hai chiều Việt-Mỹ trong 10 năm tới và đảm bảo nâng quan hệ đối tác lên tầm chiến lược.

Với triển vọng nâng cấp quan hệ song phương, cùng với những lĩnh vực hợp tác khác, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động mua sắm của chính phủ cho các công ty ở cả hai quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực then chốt như năng lượng, kinh tế số, y tế, quốc phòng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục