Trong văn bản gửi các sở ngành, địa phương về đẩy mạnh triển khai và giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phê bình các đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt 0% trong quý 1/2023.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 31/3, tổng số vốn giải ngân là 1.608 tỷ đồng, mới chỉ đạt 4% so với kế hoạch vốn được ủy ban nhân dân thành phố giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương.
Để đạt tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất 95% theo yêu cầu, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo phê bình các đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2023 (tỷ lệ giải ngân 0%).
[Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I năm 2023 đạt thấp]
Trong danh sách 61 chủ đầu tư được giao vốn, có 25 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt 0% trong quý 1 (một số đơn vị có giải ngân, nhưng rất thấp so với kế hoạch vốn được giao) như các ủy ban nhân dân Quận 4, Quận 7, Quận 8, Tân Phú; một loạt các bệnh viện như An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Trưng Vương…; đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Quận ủy Quận 1; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, có 5 đơn vị có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 1% như Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; trong khi đó, có 8 đơn vị chỉ đạt tỷ lệ giải ngân từ 2-4%.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao các sở ban ngành, ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức, các tổ công tác, các chủ đầu tư, đặc biệt là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn trương thực hiện, hoàn thành, báo cáo và đề xuất đúng thời gian yêu cầu các nhiệm vụ và giải pháp đã được ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung cao độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo kết quả giải ngân năm 2023 phải đạt từ 95% trở lên.
Lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất phê bình đối với các đơn vị chưa lập kế hoạch chi tiết triển khai, kiểm tra và giám sát giải ngân vốn đầu tư công; tổng hợp nội dung công việc, số vốn và tỷ lệ giải ngân của từng đơn vị theo từng tháng.
Theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh là 70.518 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 15.293 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung rà soát và bổ sung vào trung hạn những công trình dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, đảm bảo tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và có thể giải ngân vốn ngay trong năm 2023, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới như dự án đoạn 1, đoạn 2 đường Vành Đai 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án Xây dựng cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, tập trung giải ngân nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương như dự án đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành-Tham Lương), dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.
Trên bình diện cả nước, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2023 còn thấp, với 73.192,092 tỷ đồng, chỉ đạt 9,69% kế hoạch.
Mức giải ngân vốn đầu tư công trong quý 1/2023 thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).
Vốn trong nước là 72.231,249 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 2.052,168 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch); vốn nước ngoài là 960,843 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.
Có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%).
Song vẫn có 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%; trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn./.