Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp

UBND thành phố Hà Nội mong muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo đà phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trì buổi đối thoại. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 14/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Minh Hải cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và khoảng 60 doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô suốt những năm qua.

Đáng chú ý, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành cùng chính quyền thành phố vượt qua khó khăn, tham gia phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, quan điểm của chính quyền thành phố là luôn "đứng cạnh, đi cùng, thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp."

Do đó, tại Hội nghị này, Ủy ban Nhân dân thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo đà phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nêu quan điểm, nhìn chung, tình hình các doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đã phân biệt có 3 loại doanh nghiệp: Nhóm 1 là doanh nghiệp có thị trường, dòng tài chính tốt, thu hút được lao động trở lại sau đại dịch vẫn có tiềm năng phát triển; nhóm 2 là doanh nghiệp còn thị trường, có thể đang thiếu vốn; nhóm 3 là doanh nghiệp rất khó khăn, vừa thiếu vốn, vừa mất thị trường, nếu không đủ tiêu chí tiếp cận các khoản vay hỗ trợ sẽ rất khó khăn.

Hiện nay, do chính sách tín dụng ưu tiên phục vụ kiểm soát lạm phát, giữ giá trị tiền đồng và an toàn của hệ thống ngân hàng nên buộc phải tăng lãi suất. Lãi suất cho vay trên 10%, doanh nghiệp gặp khó khăn, làm ăn khó có lãi để vay nên nhiều doanh nghiệp không thể vay đầu tư mới.

Ngay cả doanh nghiệp thuộc nhóm 1 cũng hạn chế, không thể mở rộng thị trường, không đầu tư được như kỳ vọng. Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai khá chậm, nhiều doanh nghiệp dè dặt hoặc không đạt tiêu chuẩn vay.

Ngoài ra, việc nới lỏng tín dụng, đặc biệt đối với thị trường bất động sản, hiện nay đang rất hạn chế.

Do đó, ông Mạc Quốc Anh đề nghị, thành phố xem xét miễn giảm tiền thuê đất năm 2023 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; xem xét thêm giải pháp cho phép mua hàng hóa xuất nhập khẩu được sử dụng các loại ngoại tệ khác, giảm dần sự lệ thuộc vào đồng đôla Mỹ khi tỷ giá lên cao trong khi đồng ngoại tệ khác giảm giá.

Đáng chú ý, việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp đã đủ hồ sơ cần được triển khai nhanh chóng, giúp doanh nghiệp có dòng tiền lưu thông.

[Nới room tín dụng: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất]

Ông Mạc Quốc Anh cũng đề nghị, thành phố kiến nghị Trung ương ban hành chính sách, kế hoạch công tác hỗ trợ doanh nghiệp có tính chất dài hơi như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành chuỗi liên kết Việt và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Còn ông Nguyễn Phúc Long, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long cho rằng, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn và hầu như không có nguồn vốn giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp phải kinh doanh với vốn lãi suất lên tới 15-16%/năm, thậm chí cao hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá leo thang, cuối năm cận kề khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, không có tích lũy tài chính tốt sẽ lao đao.

Việc cắt giảm chi phí sản xuất, nhân công... đang diễn ra với hàng chục ngàn lao động, hàng trăm ngàn giờ làm bị cắt giảm. Có doanh nghiệp của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã phải cắt giảm 80% lao động.

Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Phúc Long đề nghị, cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách, trong tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 đưa nguồn tín dụng mới được Ngân hàng Nhà nước nới room đến trúng, đúng đối tượng, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ngành nghề sản xuất kinh doanh thiết yếu, doanh nghiệp có mối liên kết chuỗi cung ứng rộng.

Cùng với đó là hỗ trợ khơi thông dòng vốn cho các dự án bất động sản đang dở dang để hoàn thành tiến độ xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân, tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, thúc đẩy lưu thông cho ngành nghề kinh tế khác trong giai đoạn cấp bách cuối năm.

Trong điều kiện dự báo khó khăn còn kéo dài, ông Nguyễn Phúc Long đề xuất, Ủy ban Nhân dân thành phố có kiến nghị với Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, thị trường quốc tế tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong bối cảnh thị trường truyền thống đang gặp nguy cơ suy thoái.

Toàn cảnh buổi đối thoại. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị Sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, Cục Thuế đã trực tiếp trả lời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như cam kết cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ ngay.

Đại diện Cục Thuế cho biết, đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình doanh nghiệp ngay từ chi phí đầu vào để sớm báo cáo thành phố trình Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục giãn, giảm thuế…

Làm rõ thêm một số nội dung doanh nghiệp còn băn khoăn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, đặc biệt là việc phối hợp giữa các sở, ngành.

Đây là vấn đề tồn tại, Ủy ban Nhân dân thành phố đang nỗ lực giải quyết bằng nhiều cách. Tinh thần là phải đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp và người dân.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, sắp tới, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường. Đây là dịp để Hà Nội có kiến nghị kịp thời lên Chính phủ, Quốc hội giải pháp nếu tháo gỡ được ngay sẽ hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2023.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp có kiến nghị, đề xuất, cụ thể. Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố cùng các sở, ngành tập hợp tất cả ý kiến của doanh nghiệp và trả lời bằng văn bản trong ngày 15/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục