Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường vừa có ý kiến chỉ đạo Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải, Công Thương, Sở Y tế, Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố theo Tờ trình số 1590/TTr-SCT ngày 7/7 của Sở Công Thương thành phố.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của Sở Công Thương về việc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và lái xe vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy, giải quyết lưu thông nhanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng đầu ra do dịch COVID-19.
Trong trường hợp không cho lái xe từ các vùng dịch vào trung tâm thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu phương thức giao nhận xe với tài xế tại thành phố và địa điểm giao nhận phù hợp, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp nhận hàng hóa.
Sở Y tế xem xét, giải quyết hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, dịch vụ vận tải thực hiện xét nghiệm COVID-19 và hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19. Sở Công Thương chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, các sở, ngành có liên quan để giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, trước đó đơn vị đã nhận được phản ánh từ doanh nghiệp về vấn đề chưa có sự thống nhất trong hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi các tài xế vận chuyển hàng hóa từ ngoài vào thành phố Cần Thơ, đặc biệt là các tài xế vận chuyển hàng hóa đi từ vùng có dịch gồm Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Các doanh nghiệp xuất khẩu khi thực hiện thu mua lúa bằng đường thủy cũng gặp các khó khăn tương tự.
Đồng thời, do thực hiện các quy định về y tế như xét nghiệm COVID-19 cho tài xế, công nhân viên, cách ly tại nhà đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa đi về từ các tỉnh, thành phố có dịch... nên các doanh nghiệp vận tải, tiểu thương, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đang chịu áp lực lớn về chi phí phát sinh, thiếu tài xế vận chuyển hàng, doanh thu giảm.
Chi nhánh Công ty Trách nhiệm MM Mega Market Việt Nam tại Cần Thơ phản ánh, sáng 6/7, một xe giao hàng của đơn vị này di chuyển từ Bình Dương đến chốt kiểm dịch ở cầu Cần Thơ bị chặn lại để khai báo y tế, tài xế đã nộp phiếu xét nghiệm âm tính (được lập ngày 5/7), xe chuyển đến khu vực Bến xe khách trung tâm thành phố để khử khuẩn. Tuy nhiên, sau đó tài xế báo về là xe hàng có thể vào trung tâm thành phố với điều kiện có một tài xế khác ở Cần Thơ đến lái xe thay, dù tài xế hiện tại đã nộp đủ giấy tờ xét nghiệm còn hiệu lực…
Theo doanh nghiệp, việc này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình cung ứng hàng hóa tại Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi ở Cần Thơ mà còn ảnh hưởng đến việc sắp xếp tài xế và xe giao hàng cho cả hệ thống MM Mega Market trên cả nước.
Còn theo Trung tâm điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên), đơn vị có 8 cửa hàng bán lẻ ở nội ô Cần Thơ, chuyên doanh hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống… Đơn vị còn trung chuyển hàng hóa cung ứng các mặt hàng nông sản, rau củ quả miền Tây cho các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[Dịch COVID-19: Chung tay vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu]
Do tình hình dịch bệnh phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân viên giao nhận hàng tại kho trung chuyển (gồm tài xế và phụ xe) được kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định phòng chống dịch, đảm bảo tuân thủ đúng Thông điệp 5K của Bộ Y tế, 3 ngày test nhanh một lần và thực hiện khai báo y tế tại địa phương sau khi về nơi cư trú, có lịch trình công tác rõ ràng nơi đi điểm đến do cơ quan chịu trách nhiệm xác nhận, tự theo dõi sức khỏe bản thân và báo cáo đơn vị chủ quản, cơ quan y tế theo đúng khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ.
Tuy nhiên, hiện tại một vài xã, phường, sau khi khai báo y tế đã ra quyết định cách ly đối với tài xế, phụ xế của Satra Cần Thơ. Một số xã, phường khác chỉ ghi nhận thông tin khai báo y tế và hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà.
Việc thực hiện phòng chống dịch của các địa phương còn bất cập, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp cung ứng hàng thiết yếu phục vụ người dân trong mùa dịch. Trung tâm điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với nhóm lái xe vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cho biết, hàng ngày công ty đều có vận chuyển hàng hóa là thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho các kho và các hệ thống siêu thị ở nhiều địa phương, đi và về từ vùng có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương…
Để chấp hành đúng quy định về phòng, chống dịch và đảm bảo hàng hóa của công ty được lưu thông, kịp thời cung cấp thực phẩm đến người tiêu dùng…, nhân viên giao hàng của công ty đã được tiêm ngừa vắc xin COVID-19 (mũi 1), xét nghiệm SARS-CoV-2 (theo yêu cầu), cam kết về lịch trình di chuyển của xe giao hàng (có kèm theo).
Ngoài ra, nhân viên luôn thực hiện các biện pháp phòng tránh theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế, trên xe được trang bị nước sát khuẩn, nhân viên giao hàng không được di chuyển đến những nơi khác ngoài lịch trình hoạt động…
Tuy nhiên, khi vào chốt kiểm soát của Cần Thơ thì nhân viên giao hàng được yêu cầu phải cách ly. "Việc này gây tâm lý hoang mang cho người giao hàng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và việc làm của gần 200 lao động," đại diện Công ty Phạm Nghĩa cho biết.
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ kiến nghị UBND thành phố có chỉ đạo để có hướng dẫn cụ thể, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cùng ngày 10/7, ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đã ký Công văn số 1867/SGTVT-QLVT,PT&NL, hướng dẫn kiểm soát y tế để phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi vào địa bàn thành phố.
Cụ thể, đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng ôtô, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đưa ra ba phương án.
Phương án 1, trước khi vận chuyển hàng hóa bằng ô tô vào thành phố Cần Thơ, lái xe và người đi cùng bắt buộc phải có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (xét nghiệm bằng phương pháp realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) trong vòng 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm, xuất trình tại các điểm kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Phương án 2, trường hợp lái xe và người đi cùng chưa có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, Sở Giao thông Vận tải đề nghị lái xe và người đi cùng liên hệ với các bệnh viện gần nhất hoặc các điểm test nhanh COVID-19 tại các điểm kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 của thành phố để xét nghiệm và tự trả phí theo quy định. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì xuất trình tại các điểm kiểm soát để hoàn tất các thủ tục trước khi đưa phương tiện đi vào địa bàn thành phố.
Các điểm test nhanh COVID-19 tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch của Cần Thơ. Cụ thể, các phương tiện đi từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau về trung tâm thành phố qua các điểm kiểm soát số 2 (Quốc lộ 1, đường dẫn cầu Cần Thơ, ngay cổng Siêu thị GO), số 3 (Đường Phạm Hùng khu vực sau Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Ba Láng), số 8 (tại Quốc lộ Nam sông Hậu, giao đường vào Khu công nghiệp Hưng Phú, trục 1A) và số 9 (tại nhánh rẽ đường dẫn cầu vượt nút giao IC3) sẽ thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 tại Bến xe khách trung tâm thành phố Cần Thơ.
Đối với các phương tiện đi từ hướng biên giới Tây Nam, gồm các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp vào thành phố Cần Thơ qua điểm kiểm soát số 4 trên Quốc lộ 91 (dưới nhịp dẫn cầu Vàm Cống, thuộc địa bàn quận Thốt Nốt), điểm tổ chức test nhanh SARS-COV-2 là tại Bến xe buýt Thốt Nốt. Các hướng còn lại, thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 ngay tại chốt kiểm soát dịch.
Phương án 3 áp dụng đối với lái xe và người đi cùng không đáp ứng yêu cầu phương án 1 và không chọn phương án 2 thì có thể đổi lái xe và người đi cùng. Cụ thể, lái xe và người đi cùng được đổi là người đang cư ngụ tại thành phố Cần Thơ và đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, không thuộc đối tượng bị cách ly y tế, không về từ vùng có dịch, vùng bị phong tỏa. Trong trường hợp này, không thực hiện việc cách ly y tế đối với lái xe và người đi cùng đã được thay đổi.
Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu lái xe và người đi cùng phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, phương tiện phải được phun khử khuẩn trước khi đưa vào địa bàn thành phố. Trong thời gian bốc xếp, dỡ hàng hóa, lái xe và người đi cùng phải đảm bảo việc phòng chống dịch theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Sau khi hoàn thành việc giao nhận hàng hóa, lái xe và người đi cùng phải nhanh chóng đưa phương tiện rời khỏi thành phố. Nếu chậm trễ, Cần Thơ sẽ thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định đối với các trường hợp đi từ vùng dịch về./.