Chủ tịch Triều Tiên đã trở về Bình Nhưỡng sau hội nghị tại Nga

Đoàn tàu đặc biệt chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã về tới Triều Tiên sáng sớm 27/4 và được người dân ở tỉnh Bắc Hamgyong, Đông Bắc nước này, chào đón nồng nhiệt.
Chủ tịch Triều Tiên đã trở về Bình Nhưỡng sau hội nghị tại Nga ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rời đoàn tàu khi tới ga Khasan thuộc vùng Primorye của Nga ngày 24/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thông báo Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trở về Bình Nhưỡng sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thành phố Vladivostok, thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

Theo KCNA, đoàn tàu đặc biệt chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã về tới Triều Tiên sáng sớm 27/4 và được người dân ở tỉnh Bắc Hamgyong, Đông Bắc nước này, chào đón nồng nhiệt. Mặc dù vậy, KCNA không đề cập cụ thể thời điểm cũng như nhà ga nơi đoàn tàu dừng bánh.

Trước đó, trong ngày 25/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Putin đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận việc tăng cường quan hệ song phương cũng như nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

Theo KCNA, cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí "cởi mở và thân thiện," trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh hòa bình và an ninh ở Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Ông Kim Jong-un đồng thời tố cáo thái độ "thiếu thiện chí" của Washington, khẳng định Bình Nhưỡng "sẽ chuẩn bị đối phó với mọi tình hình."

[Thượng đỉnh Nga-Triều: Củng cố quan hệ Moskva-Bình Nhưỡng]

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin cho biết cần phải hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên từng bước và cẩn trọng, để tránh tình huống “tiến một bước lùi hai bước." Ông cũng nhấn mạnh cần nối lại các nỗ lực quốc tế, trong đó bước đi quan trọng nhất là bảo đảm chủ quyền của Triều Tiên.

Hai bên đã thảo luận về khả năng các bảo đảm đó đến đâu, cần làm gì, cần vượt qua những rào cản gì. Lãnh đạo Nga nhấn mạnh việc quan trọng hiện nay là cần khôi phục niềm tin của thế giới vào Triều Tiên, trong đó bao gồm cả việc Washington đối thoại một cách xây dựng với Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Nga không cho rằng cần phải nối lại đàm phán sáu bên ngay lúc này, song khẳng định đây là định dạng hữu ích để bảo đảm an ninh cho Triều Tiên cho đến khi đạt thỏa thuận về phi hạt nhân hóa. Theo ông, một bảo đảm chỉ giữa hai nước không thôi là không đủ.

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Vladivostok là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ cuối tháng Hai vừa qua - sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Việt Nam kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục