Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động: Sẽ thí điểm mô hình công đoàn theo hướng mở

Sáng nay, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN làm rõ ý kiến xung quanh dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi và cho biết sẽ thí điểm một số mô hình công đoàn theo hướng mở linh hoạt phù hợp tới thực tiễn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề trong phiên làm việc sáng nay. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang giải trình, làm rõ một số vấn đề trong phiên làm việc sáng nay. (Ảnh: TTXVN)

Trong phiên làm việc ngày 18/6, bên cạnh các ý kiến khẳng định việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là cần thiết cũng như ý kiến về quy định chi “tối thiểu 75%” kinh phí quỹ cho công đoàn cơ sở… các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn với nhiều nội dung mới.

Về nội dung các đại biểu tham gia ý kiến và tranh luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang đã giải trình, làm rõ một số vấn đề.

Thí điểm mô hình công đoàn linh hoạt

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, về việc gia nhập vào hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, ông đồng tình với nhận định đây là vấn đề phức tạp, có thể tác động đến an ninh trật tự.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo đã xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp thu ý kiến các cơ quan có liên quan, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành đánh giá tác động về an ninh chính trị và đã có báo cáo riêng gửi tới các đại biểu Quốc hội,” ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Để hạn chế những tác động tiêu cực khi cho phép lao động là người nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp cụ thể được thể hiện trong dự thảo Luật. Đây cũng là một nội dung Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động, việc bổ sung quy định này trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06 ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và quy định tại Điều 172 Bộ luật Lao động năm 2019.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_thao_luan_ve_luat_cong_doan_sua_doi_7435954.jpg
Quốc hội tiếp tục bàn thảo về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trong phiên làm việc sáng nay, 18/6. (Ảnh: TTXVN)

Về hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với mô hình hoạt động công đoàn theo hướng mở linh hoạt, Tổng Liên đoàn đề xuất đưa vào Luật nội dung này và sẽ nghiên cứu, tổ chức thí điểm một số mô hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

“Ví dụ như mô hình công đoàn ngành xuyên suốt, mô hình Công đoàn của Tập đoàn kinh tế tư nhân trực thuộc Tổng Liên đoàn, mô hình công đoàn của những doanh nghiệp có dưới 25 lao động hoặc những doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Chúng tôi sẽ định hướng những mô hình linh hoạt như vậy,” Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết.

Theo ông Khang, về công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đây không phải là cấp thứ 5 trong hệ thống tổ chức công đoàn mà cấp này có thể tương đương với cấp tỉnh hoặc tương đương với cấp huyện, tùy theo đơn vị hành chính đặc biệt do Quốc hội thành lập là cấp nào sẽ được Tổng Liên đoàn thiết kế tổ chức theo đúng mô hình như vậy.

Về cán bộ công đoàn, dự thảo Luật đã quy định theo hướng công đoàn các cấp được đảm bảo về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện được đầy đủ chức năng, quyền và trách nhiệm, đồng thời cho phép Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.

Tài chính Công đoàn được kiểm toán công khai

Về một số nội dung các đại biểu tranh luận trên nghị trường sáng nay, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, về Điều 26, Dự thảo quy định “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu bộ máy, vị trí việc làm và chức danh của cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền.”

z5550381714328_532a2a73e70ab1441a77f3de4e9f570b.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Minh Dũng trao hỗ trợ các công nhân bị tai nạn do sạt lở đất, khi thi công Dự án đường điện 500KV mạch 3, đoạn đi qua thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng Liên đoàn Lao động ở cấp trung ương gồm có ở cơ quan của Tổng Liên đoàn và các công đoàn ngành trung ương được Bộ Chính trị giao cho Ban Tổ chức thông báo cho Tổng Liên đoàn thì Tổng Liên đoàn sẽ tiến hành phân bổ các cán bộ công đoàn này cho các ngành Trung ương theo quy mô, số lượng đoàn viên của từng ngành, còn ở tại các địa phương vẫn thực hiện theo đúng quy định là do Ban Thường vụ cấp ủy các địa phương quyết định.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, thời gian qua, biên chế của cán bộ công đoàn có rất nhiều bất cập. Thực hiện theo Kết luận 40 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá và xây dựng một báo cáo cho Ban Chỉ đạo biên chế Trung ương về tình hình cán bộ công đoàn, có rất nhiều bất cập, có những tỉnh, thành phố có quan hệ lao động phức tạp; số lượng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đông nhưng số lượng cán bộ công đoàn bố trí không đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, một số tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp ít và số lượng đoàn viên công đoàn ít và quan hệ lao động không phức tạp lại được bố trí cán bộ công đoàn không tương xứng với đặc điểm như vậy.

“Chúng tôi đã đề xuất với Ban Chỉ đạo về biên chế của Trung ương một công thức tính trên cơ sở số lượng đoàn viên từng ngành, từng địa phương. Đặc biệt, ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa có hợp đồng nhưng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tổ chức Công đoàn 22 biên chế để cử xuống làm Chủ tịch công đoàn chuyên trách ở các cơ sở có đông công nhân lao động và quan hệ lao động phức tạp,” ông Khang cho biết.

Về kinh phí công đoàn và quản lý tài chính, tài sản công đoàn, theo ông Khang đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu, ông Khang khẳng định: “Đa phần các đại biểu Quốc hội đồng tình tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, cho người lao động trực tiếp dưới cơ sở. Về quản lý tài chính, chúng tôi thực hiện đúng các quy định về chế độ dự toán giống như quy định đối với các cơ quan trung ương khác, ví dụ khoán chi phí hành chính, chi hành chính như thế nào hoàn toàn được chúng tôi thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách và các luật tài chính khác.”

Về vấn đề công khai tài chính, đại diện Tổng Liên đoàn cho biết thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, ở cấp nào thì công khai ở phiên họp Ban chấp hành của 6 tháng đầu năm sau của năm liền kề. Tài chính công đoàn được Kiểm toán nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm 1 lần trên cơ sở kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua. Kết quả kiểm toán được báo cáo Quốc hội và tổng hợp chung vào báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

z5550381726439_5e1ae2958457bad998e07f6d463eccdc.jpg
Người lao động chuẩn bị về quê trong kỳ nghỉ lễ dài ngày. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Kháng, Tổng Liên đoàn cũng chịu sự thanh tra, giám sát của tất cả các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính… và các cơ quan có liên quan. Còn quy định ở trong luật Công đoàn là để thể chế hóa cho rõ tình hình công khai tài chính công đoàn./.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thông tin nguồn tiền kết dư tại công đoàn cấp quận huyện là gần 8.700 tỷ đồng, liên đoàn tỉnh thành và tương đương 15.355 tỷ đồng và Tổng liên đoàn 6.789 tỷ đồng.

Kết dư tại cấp cơ sở sau Tết Nguyên đán thường được dùng hết để chăm lo cho đoàn viên, lao động. Ba cấp còn lại sẽ điều tiết kinh phí xuống cấp dưới trực tiếp nếu kết dư không đủ chi.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới để phù hợp với thực tiễn như chi cho công đoàn cơ sở doanh nghiệp gặp khó khăn, chi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn giai đoạn 2013-2021 nêu tổng thu tài chính công đạt 143.999 tỷ đồng. Trên 63% nguồn tài chính đến từ đóng góp 2% kinh phí của doanh nghiệp, người lao động đóng góp chiếm 24,7%, các nguồn thu khác 11,9% và ngân sách nhà nước hỗ trợ phần nhỏ, chỉ 0,35%.

Nguồn thu mỗi năm tăng bình quân 12% do tăng lương cơ sở, lương tối thiểu, đoàn viên công đoàn ngày càng đông. So với năm 2012, tổng thu tài chính công đoàn tới hết năm 2021 tăng 2,5 lần, riêng kinh phí công đoàn tăng gần 2,7 lần và đoàn phí tăng 2,4 lần, các khoản thu khác cũng tăng 1,54 lần.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục