Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung Quốc và EU có sự 'cạnh tranh tích cực'

Ngày 26/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng có nhiều điểm chung trong các vấn đề toàn cầu.
(Nguồn: AFP)

Ngày 26/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng có nhiều điểm chung trong các vấn đề toàn cầu từ biến đổi khí hậu tới thương mại, đồng thời kêu gọi hai bên xóa bỏ "những hoài nghi."

Trong cuộc hội đàm tại Paris (Pháp) giữa Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố mong muốn hợp tác.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết dù giữa Bắc Kinh và Brussels tồn tại những khác biệt và sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh đó là tích cực.

Các bên đang cùng tiến bộ và vì vậy không nên để "những hoài nghi" cản trở. Chủ tịch Trung Quốc lưu ý các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đều phải đối mặt với những thách thức như chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ đang đi đầu và những "đòn tấn công" của Tổng thống Donald Trump nhằm vào những thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, thương mại hay chương trình hạt nhân Iran.

[Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung Quốc và châu Âu đang cùng tiến lên]

Trước đó, trong tuyên bố chung đưa ra sau chuyến thăm 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc tới Pháp, nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Pháp đều cam kết hợp tác để thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên các luật định. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Merkel lại tỏ ra thận trọng về khả năng và kết quả hợp tác giữa EU và Trung Quốc. Bà cho rằng chủ nghĩa đa phương sẽ không tồn tại nếu loại bỏ Mỹ.

Tuy các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh có nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc, Pháp và EU có thể hợp tác, nhưng vẫn tồn tại nhiều căng thẳng trong quan hệ song phương. Đây chính là "những hoài nghi" mà Chủ tịch Trung Quốc nhắc tới. 

Trong tháng này, EC từng đánh giá Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống" và công bố một kế hoạch 10 điểm đề xuất một mối quan hệ đậm nét với Bắc Kinh.

Chính vì vậy, Chủ tịch Juncker cũng tỏ ra gượng ép khi đưa ra những phát biểu công khai tại cuộc họp báo ở Paris khi nói rằng "tôi là một người bạn của Trung Quốc."

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh vấn đề "có đi có lại" trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư với ý định yêu cầu Trung Quốc mở cửa, tạo cơ hội cho các công ty châu Âu tiếp cận thị trường nước này và trong các dự án nước ngoài của Trung Quốc.

Bà Merkel khẳng định châu Âu cũng mong muốn Trung Quốc cam kết hợp tác với EU trong triển khai sáng kiến "Vành đai và Con đường."

Việc Tổng thống Pháp quyết định mời Thủ tướng Đức và Chủ tịch EC cùng gặp Chủ tịch Trung Quốc cho thấy ông chủ điện Elyseés mong muốn tất cả các quốc gia thành viên EU cùng tìm ra hướng tiếp cận chung trong quan hệ với Bắc Kinh.

Cuộc họp diễn ra chỉ khoảng hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc vào ngày 9/4 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục