Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng

Sau khi nghe 10 cử tri phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các ý kiến rất sát thực, vừa xuất phát từ đặc thù của địa phương, nhiều vấn đề được nêu ra mang tính toàn quốc, vấn đề chung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 29/9, tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cùng tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Trần Lưu Quang...

Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Kỳ họp thứ 4 dự kiến khai mạc ngày 20/10, bế mạc ngày 18/11.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…

Sau khi nghe 10 cử tri phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các ý kiến rất sát thực, vừa xuất phát từ đặc thù của địa phương, nhiều vấn đề được nêu ra mang tính toàn quốc, vấn đề chung.

Cử tri cho rằng mấy năm qua do tác động của đại dịch COVID-19, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới đã gây ra khủng hoảng năng lượng, lương thực, gián đoạn thêm nguồn cung làm tăng thêm khó khăn của khu vực và thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn, nước ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều chính sách được ban hành kịp thời góp phần thúc đẩy khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 7,2% như dự báo của Ngân hàng Thế giới.

Cử tri cũng đánh giá cao Quốc hội đang đổi mới cách làm, phương thức điều hành để giải quyết nhanh nhất các vấn đề quốc kế, dân sinh, tháo gỡ các khó khăn về chính sách, pháp luật giúp cho Chính phủ có hành lang pháp lý để điều hành kinh tế vĩ mô được tốt hơn.

Tuy nhiên, chia sẻ với cử tri huyện Thủy Nguyên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc tới những yếu tố bất lợi có khả năng tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước ta để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Đỗ Tiến Lợi, huyện Thủy Nguyên, đề nghị có cơ chế định giá thuốc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguồn cung gặp khó khăn nên gành y tế gặp thiếu hụt về thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế. Do đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội ra nghị quyết kỳ họp đã giao Chính phủ "tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế."

Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, nhằm đảo bảo đủ thuốc khám chữa bệnh. Nhờ vậy, khó khăn đang từng bước được giải quyết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã giảm, công tác đấu thầu thuốc đang tích cực được triển khai.

[Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại Hưng Yên]

Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 cũng đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá). Luật Đấu thầu cũng được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch để cán bộ vận hành thuận tiện theo đúng quy định, không sợ sai…

Quốc hội đang giao Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 để Quốc hội quyết định việc có triển khai tiếp hay không sau khi nghị quyết hết hiệu lực. Có thể một số nội dung sẽ tiếp tục được gia hạn, nhất là các nội dung chính sách để bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhân dân.

Quan tâm đến công tác lập pháp, cử tri Phạm Hồng Điệp, huyện Thủy Nguyên, kiến nghị có phần mềm để rà soát, tích hợp các điều luật của các đạo luật khác nhau nhằm giảm thủ tục hành chính, dễ thực thi và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trong hệ thống pháp luật thì phải đảm bảo được cả về hình thức, nội dung; về hình thức thì phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đầy đủ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, nội dung sát hợp với thực tiễn và đảm bảo được nhu cầu kiến tạo phát triển và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Quốc hội có nhiều giải pháp, trong đó có cả sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà soát về văn bản pháp luật. Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Cử tri Phạm Thị Khuê phát biểu ý kiến về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cử tri Đàm Công Chấn - xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, nêu ý kiến thời gian qua có hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc; đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm ban hành chính sách tiền lương mới phù hợp với tình hình hiện nay để cán bộ, công chức, viên chức nhà nước yên tâm công tác, cống hiến.

Trả lời cử tri về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết do dịch COVID-19, lộ trình cải cách tiền lương cơ sở bị chậm lại. Cho rằng vấn đề này rất cấp thiết, do tinh giản biên chế mấy năm qua nên số lượng công chức, viên chức giảm, trong khi đó năng suất lao động tăng, tiền lương cơ sở không tăng. Theo đó, Kỳ họp thứ 4 này Quốc hội sẽ bàn về vấn đề tiền lương, xem xét mức độ, thời điểm điều chỉnh lương cơ sở trước khi tiến tới những cải cách căn bản. Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ nếu kinh tế nước ta có những khởi sắc thì ngân sách có điều kiện tích lũy để thực hiện chính sách tiền lương.

Liên quan đến vấn đề dịch chuyển lao động, theo Chủ tịch Quốc hội, việc lao động di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại, một bộ phận rời khỏi thị trường và một bộ phận khác gia nhập thị trường lao động là bình thường. Tuy nhiên, khi lực lượng bác sỹ di chuyển ra khu vực tư đông thì cần phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập.

Về vấn đề thiếu giáo viên, Chủ tịch Quốc hội cho biết các cơ quan chức năng đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Trả lời ý kiến cử tri nêu đề nghị tăng cường giám sát về môi trường, nhất là giám sát xả thải các nhà máy lớn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một trong nội dung được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội quan tâm và tăng cường các hoạt động giám sát về môi trường khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta kiên quyết không đánh đổi môi trường để tăng trưởng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu bảo đảm bền vững cho môi trường.

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp thu, ghi nhận và trả lời các ý kiến cử tri huyện Thủy Nguyên liên quan đến thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo đối với bác sỹ, kiểm soát giá sách giáo khoa, phòng chống, xử lý nghiêm minh tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xem xét bổ sung công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và điều chỉnh mức phụ cấp đặc thù cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, về nhà ở xã hội cho công nhân…/.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri huyện Thủy Nguyên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri huyện Thủy Nguyên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng với lãnh đạo huyện Thủy Nguyên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cử tri Phạm Thị Khuê phát biểu ý kiến về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cử tri Trần Văn San phát biểu ý kiến về quy hoạch chung thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cử tri Phạm Hồng Điệp phát biểu ý kiến về xây dựng các bộ luật cần tích hợp, đồng bộ để đảm bảo giảm thủ tục hành chính. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cử tri Nguyễn Văn Ba phát biểu ý kiến về tham gia sửa đổi Luật Khám chữa bệnh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cử tri Bùi Thế Hiệp phát biểu ý kiến về tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giao viên, biên soạn sách giáo khoa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục