Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9 tại Cần Thơ, sáng 24/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc hơn 300 cử tri là cán bộ hưu trí thành phố Cần Thơ; chiều cùng ngày Đoàn tiếp xúc cử tri tại quận Thốt Nốt.
Tại các cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân và đại biểu Quốc hội Trần Thị Vĩnh Nghi đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ trước và trong kỳ họp.
Cử tri Cần Thơ đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, về kết quả Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, trong đó hoan nghênh lần đầu tiên Quốc hội thực hiện họp trực tuyến và tập trung, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mấy kỳ họp gần đây; đồng thời nêu ý kiến về công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, tình trạng sạt lở bờ sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, về chính sách người có công, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xác định hộ nghèo, cận nghèo, đầu tư cho y tế, giáo dục, giao thông…
[Cần Thơ: Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng và Ô Môn]
Cử tri đề nghị chọn cán bộ cần phải làm kỹ càng, có đức, có tài, ý chí và quyết tâm… và khi trên cương vị là lãnh đạo thì cần phải được kiểm điểm công tác thường xuyên, tránh việc buông lỏng…
Cử tri Lê Xã Hội, cán bộ hưu trí Cần Thơ đánh giá cao kết quả công tác phòng chống dịch COVID-19 và đề nghị tổng kết, khen thưởng những “chiến công” của những “chiến sỹ” là những y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch.
Song song với đó là tiếp tục nâng cao y đức trong ngành Y tế, trang bị đủ trang thiết bị dự phòng cho chống dịch, bố trí y bác sĩ thích hợp cho từng khu dân cư... Theo ông Lê Xã Hội, đợt phòng chống dịch vừa qua cho thấy, “với chủ trương đúng, quyết tâm cao, được lòng dân thì mọi việc đều thành công.”
Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh, cán bộ hưu trí Cần Thơ và cử tri Võ Văn Nhuận, khu vực 11 phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt cho rằng, hiện nay nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa giữa Cần Thơ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ là rất lớn nhưng hạ tầng giao thông xuống cấp, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23km thi công kéo dài 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đánh giá của cử tri, cho rằng hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn; đồng thời cho biết Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai.
Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Quan điểm của Quốc hội và Chính phủ muốn thúc đẩy tiến độ để có thể đưa cao tốc này vào hoạt động trong năm 2022.
Tại cuộc tiếp xúc với các cán bộ hưu trí thành phố Cần Thơ, có ý kiến cử tri cho rằng cần có kế hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cho khoảng thời gian từ 20-30 năm nữa.
Lợi thế của Cần Thơ là sông, nông nghiệp. Là trụ cột của đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ cần quy hoạch lại để chống ùn tắc, ngập nước, phải tính mở rộng, nên nghiên cứu có 1 khu vực tập trung sản xuất lúa gạo để xuất khẩu.
Cùng với đó thành phố xây dựng nhà máy đông lạnh lớn, nhà máy chế biến sâu, bảo quản để xuất khẩu nông sản; có cơ sở lai tạo con giống, chia làm hai vùng: vùng nước mặn thì cung cấp lúa, cây, con giống, vùng nước ngọt thì giống cây trái...
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, quy hoạch dân cư, vùng sản xuất lúa gạo, chế biến… là rất cần thiết. Cần Thơ cần đưa những tinh thần cốt lõi trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới.
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với ý kiến cử tri, Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh về tình hình sạt lở bờ sông hiện nay là rất nghiêm trọng, với hàng chục nghìn hộ dân ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc diện phải tính toán di dời.
Cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư, hỗ trợ, cùng ngân sách địa phương, kinh phí ngoài ngân sách để cùng xử lý tình trạng sạt lở, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư nhiều vùng, các tuyến Quốc lộ. Theo cử tri, bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long “có thể sống chung với lũ nhưng không thể sống chung với sạt lở,” nên mong muốn cơ quan chức năng đầu tư cho công tác này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, xử lý tình trạng sạt lở bờ sông đang là nhiệm vụ cấp bách của đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước cũng đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai và công tác này sẽ tiếp tục được quan tâm trong trong thời gian tới.
Trả lời ý kiến cử tri về vụ án Hồ Duy Hải, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do tính chất vụ án Hồ Duy Hải phức tạp, kéo dài nhiều năm, đã qua các phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Các cơ quan chức năng, có trách nhiệm sẽ cùng ngồi lại xem xét, rà soát và khi có kết quả sẽ thông báo lại./.